Đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác tại nguồn

.

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện để tạo thói quen. Qua đó thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường từ ngày 1-1-2025 và tránh bị xử phạt vì không thực hiện đúng phân loại rác.

Thu gom và sáng tạo sản phẩm từ rác còn có khả năng tái chế, tái sử dụng tại Trường Tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà). Ảnh: M.Q
Thu gom và sáng tạo sản phẩm từ rác còn có khả năng tái chế, tái sử dụng tại Trường Tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà). Ảnh: M.Q

Trong năm 2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường, quận Sơn Trà phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND 7 phường trên địa bàn quận và Tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) thực hiện nhiều buổi tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa ở các khu dân cư; phối hợp tổ chức các ngày hội môi trường, trưng bày các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom các loại rác tái chế nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.

Hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức các ngày hội bảo vệ môi trường tại 6 trường tiểu học với chủ đề “Rác thải là tài nguyên nếu được phân loại đúng cách” nhằm giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và chống rác thải nhựa.

Tại ngày hội, học sinh các lớp thi thuyết trình, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phân loại rác, bảo vệ môi trường; làm các sản phẩm tái chế và đổi các loại rác tài nguyên sau phân loại rác tại nhà bằng dụng cụ học tập.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà) Lê Thị Thúy Nga cho biết: “Rác thải sẽ trở thành tài nguyên nếu được phân loại đúng cách” đang là một thông điệp mà nhà trường hướng dẫn, giáo dục học sinh cũng như kêu gọi phụ huynh cùng tham gia phân loại rác tại nguồn và chứng minh khả năng sáng tạo, tận dụng những tài nguyên của rác để tránh lãng phí và kéo giảm phát thải rác ra môi trường”.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà Đặng Đình Hưởng cho hay, nhiều phong trào phân loại rác tại nguồn được các đơn vị triển khai sâu rộng, thiết thực với đời sống nên nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp người dân ở các khu dân cư, đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể, học sinh ở các trường.

Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang Huỳnh Tấn Bôn chia sẻ, qua công tác tuyên truyền và hướng dẫn, đa số các hộ dân trên địa bàn huyện đã có nhận thức về việc phân loại rác thải sinh hoạt và hơn 50% tổng số hộ dân phân loại rác tại nhà. Người dân trên địa bàn huyện thực hiện phân loại rác thành 3 loại chủ yếu là rác phế liệu (gồm các loại nhựa, giấy, kim loại), thức ăn thừa làm thức ăn cho gia súc, phân hữu cơ và các loại rác còn lại. Rác phế liệu (rác có khả năng tái chế, tái sử dụng) được những người trong mạng lưới thu mua phế liệu thu gom và đưa đến các cơ sở tái chế.

Các hộ dân sau khi phân loại rác phế liệu thường bán cho các cá nhân, cơ sở thu mua phế liệu (bán ve chai), một số hộ dân chuyển giao số rác phế liệu này cho các công nhân thu gom hoặc chi hội phụ nữ thôn và các đối tượng khác. Thức ăn thừa được các cá nhân có hoạt động chăn nuôi thu gom dùng để chăn nuôi gia súc. Đối với rác còn lại được Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Rác thải nguy hại được một số cơ sở cung cấp dịch vụ môi trường có chức năng thu gom và xử lý theo đúng quy định. Rác thải phế liệu chiếm tỷ lệ 15-20% tổng khối lượng rác sinh hoạt với ước tính khối lượng phát sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang khoảng 4,25 tấn/ngày.

Tuy nhiên, huyện vẫn thiếu phương tiện, thùng và vị trí để phục vụ phân loại rác tại nguồn; vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực hiện... Vì vậy, huyện đang đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường kết nối các đơn vị, tổ chức hỗ trợ triển khai các dự án, mô hình về phân loại rác tại nguồn trong thời gian tới.

Theo UBND quận Hải Châu, quận đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn lồng ghép phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn có liên quan tại 17 hội nghị tập huấn tuyên truyền gồm cấp quận và cấp phường với 1.793 người tham dự; tuyên truyền tại 2 chợ trên địa bàn quận với sự tham gia của 350 tiểu thương; 5 hội nghị tuyên truyền dành cho cán bộ làm công tác mặt trận tại 333 khu dân cư và hơn 400 công chức, đảng viên không giữ chức vụ quản lý; cấp phát tài liệu về nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho các phường, tổ dân phố, khu dân cư.

Quận và các phường tổ chức 37 ngày hội, lễ phát động, hội thi liên quan đến công tác phân loại rác tại nguồn và bảo vệ môi trường với hàng ngàn lượt người tham gia. Một số nơi triển khai thí điểm phân loại chất thải thực phẩm, thức ăn thừa... Kết quả có 645/645 tổ dân phố đã được tuyên truyền và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; 639/645 (chiếm 99%) tổ dân phố thực hiện thu gom rác có khả năng tái chế, tái sử dụng thường xuyên; 99,92% hộ gia đình, 98,3% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 100% các trường học và cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện phân loại rác...

Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà cho rằng, chỉ còn 1 năm nữa, thành phố thực hiện quy định về phân loại rác tại nguồn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Phương thức phân loại rác của thành phố bắt đầu bằng việc tách tài nguyên còn có giá trị sử dụng, tái chế gồm 3 loại: giấy, nhựa, kim loại trong rác sinh hoạt.

Nếu người dân, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt cách thức phân loại này sẽ giảm được 15-20% khối lượng rác phải vận chuyển đi xử lý. Thành phố đang tiếp tục hướng dẫn người dân, doanh nghiệp triển khai phân loại 3 loại rác nói trên và triển khai thí điểm phân loại với các loại rác hữu cơ, chất thải thực phẩm, thức ăn thừa...

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.