Tập trung quản lý hiệu quả các lô đất trống

.

ĐNO - Chiều 13-12, tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn cho biết, liên quan đến quy hoạch tiến độ và giải pháp các điểm đổ xà bần, nạo vét các hồ điều tiết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 14 điểm tập kết chất thải rắn xây dựng và bãi đổ.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phạm Nam Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: NHÓM PV
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: NHÓM PV

Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các ĐB Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố; Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố đặt các câu hỏi liên quan đến việc triển khai Đề án “Quản lý và khai thác quỹ đất công do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, hướng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan đến lô đất trống; giải pháp tháo gỡ vướng mắc khi làm nhà trên đất nông nghiệp chưa được ký hợp đồng điện, nước, đăng ký hộ khẩu; giải quyết các vướng mắc trong việc tận dụng, điều phối đất thừa từ các dự án đầu tư xây dựng, bùn vét từ các hồ điều tiết...

Giám đốc Sở TN&MT Phạm Nam Sơn cho biết, liên quan đến quy hoạch tiến độ và giải pháp các điểm đổ xà bần, nạo vét các hồ điều tiết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 14 điểm tập kết chất thải rắn xây dựng và bãi đổ.

Năm 2022, sở khảo sát lại các điểm theo đề xuất các quận, huyện và đề xuất thí điểm một số điểm cụ thể bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đến nay, triển khai 4 vị trí cụ thể ở các quận, huyện.

Về quản lý đất trống, Sở TN&MT đã ban hành kế hoạch triển khai với hai nội dung chính gồm: dọn vệ sinh tại các khu đất và quản lý đất công.

Theo thống kê từ 2018 đến nay, ngành TN&MT tiếp nhận hơn 300 dự án với tổng số 131.438 lô đất. Trong đó, đã bố trí 110.000 lô, còn lại chưa bố trí hơn 21.000 lô. Trong số hơn 21.000 lô này, đất trống có hơn 14.000 lô, còn khoảng 6.000 lô chưa có đất thực tế. 

Từ thực trạng công tác quản lý đất công, sở tham mưu UBND thành phố ban hành chỉ thị về quản lý đất công, bao gồm các vấn đề liên quan. Dự kiến, từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ ban hành chỉ thị này để có cơ sở triển khai cụ thể.

Liên quan đến hướng giải quyết cho khoảng 300 hộ dân trên địa bàn quận Cẩm Lệ xây nhà trên đất nông nghiệp không được ký hợp đồng điện, nước, ông Sơn cho biết, thành phố đã có văn bản giao địa phương phối hợp với ngành điện, nước quan tâm tháo gỡ cho người dân theo quy định.

Chất vấn liên quan đến xử lý nạo vét lòng hồ điều tiết trên địa bàn quận Thanh Khê, Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Tùng Lâm, bày tỏ lo ngại tiến độ triển khai dự án không bảo đảm, các bãi, điểm đổ bùn thải chưa được nếu cụ thể.

Ông Phạm Nam Sơn cho biết, việc đổ bùn thải, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện phải xây dựng phương án, xác định đổ bùn thải ở đâu cho bảo đảm quy định.

Hiện nay, Sở TN&MT đưa ra ý tưởng việc tận dụng mỏ khai thác đã đóng mỏ, nhưng dễ phát sinh các hệ lụy. Do đó, khi ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện phải xây dựng phương án, xác định đổ bùn thải báo cáo lên sở, sở sẽ trình thành phố xem xét, quyết định cho phép đổ thải.

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nêu, thành phố quy hoạch 14 bãi đổ từ lâu, nhưng đến nay việc đổ chỗ nào vẫn không xác định cụ thể, không hướng dẫn cho người dân, nên khi người dân đi đổ thì lại phạt. 

“Câu chuyện liên quan đến làm nhà trên đất nông nghiệp, phải trả lời cụ thể, được hay không? Giải quyết quyền lợi trước mắt, chính đáng cho người dân cần được xem xét. Sở TN&MT nghiên cứu kỹ, sớm tham mưu để có quyết định cuối cùng, báo cáo cư tri biết”, Chủ tịch HĐND thành phố nói.

NHÓM PV THỜI SỰ

;
;
.
.
.
.
.
.