.

Cần có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong bệnh viện

.

Nhân viên công tác xã hội (CTXH) giúp người bệnh và gia đình họ tìm đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội, lâm sàng, thể chất và các hỗ trợ tài chính khi người bệnh nằm viện. Sự hiện diện của đội ngũ nhân viên CTXH trong bệnh viện là tín hiệu cho thấy người bệnh là trung tâm của bệnh viện đó, được hỗ trợ toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu mà người bệnh đang cần được trợ giúp khi nằm viện.

Một nhân viên CTXH chuyên nghiệp phải cung cấp thông tin hữu ích, tham vấn trị liệu tâm lý và lắng nghe người bệnh một cách thấu đáo, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện; hỗ trợ khẩn cấp cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa; hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh...

Họ còn là người tham vấn giúp người bệnh có khó khăn về tâm lý, tình cảm và xã hội vượt qua khủng hoảng duy trì hành vi tích cực bảo đảm chất lượng cuộc sống, là người chăm sóc trực tiếp người bệnh yếu thế….

Tư vấn cho phụ huynh có con tự kỷ.
Tư vấn cho phụ huynh có con tự kỷ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng, người bệnh và gia đình cũng như các nhân viên y tế khác vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của nhân viên CTXH. Công việc chủ yếu mà các tổ CTXH ở các bệnh viện đang làm là vận động và thực hiện các hoạt động từ thiện như quản lý các suất ăn miễn phí cho người bệnh, xin xe lăn hoặc các phương tiện di chuyển cho người bệnh khó khăn về đi lại.

Các nhu cầu còn lại của người bệnh như tham vấn tâm lý và xã hội, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh… chưa được thực hiện.

Sự quá tải về công việc của tổ CTXH khi được phân công kiêm nhiệm CTXH có nghĩa là những nhân viên này phải làm hai loại công việc: công việc chính và công việc kiêm nhiệm. Vai trò của nhân viên CTXH trong bệnh viện còn mang nặng tính từ thiện, việc thực hiện một tiến trình trị liệu CTXH chuyên nghiệp chưa được thực hiện.

Các chế độ phụ cấp cho công việc kiêm nhiệm CTXH chưa được lãnh đạo bệnh viện ban hành hợp lý. Hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trưởng tổ/nhóm CTXH chưa được trao quyền thực hiện công việc theo mong đợi.

Một số lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự nhận thức tầm quan trọng của CTXH nên chưa mặn mà với việc phát triển CTXH trong bệnh viện. Sự nhìn nhận từ các đồng nghiệp, y bác sĩ và người bệnh đối với nhân viên CTXH chưa đúng dẫn đến sự phối hợp giữa nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân còn chưa cao. Do vậy các nhân viên CTXH kiêm nhiệm sao nhãng và tập trung làm công việc chính của họ mà quên đi vai trò kiêm nhiệm của mình.

Để thực hiện tốt các hoạt động CTXH tại các bệnh viện, cán bộ làm công tác này phải có chế độ phụ cấp phù hợp với chức năng kiêm nhiệm của những nhân viên này, phải nắm rõ nguyên tắc đạo đức của nghề CTXH, phải được đào tạo chuyên sâu CTXH.

Ngoài ra, ban lãnh đạo bệnh viện trao quyền theo chức danh nghề nghiệp cho nhân viên CTXH và quan tâm hơn nữa đến sự phát triển CTXH trong bệnh viện nhằm tăng cường sự phối hợp của ê kíp khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.

Trong đó, biện pháp ưu tiên nhất hiện nay là tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ nhân viên CTXH, tiếp đến tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò của nhân viên CTXH chuyên nghiệp cho lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế, người bệnh và gia đình. Có chính sách tiền lương hợp lý, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên CTXH an tâm công tác hoặc thực hiện CTXH kiêm nhiệm.

Th.S Đàm Thị Kim Ân Phó khoa Điều dưỡng

(Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.