“Thơ đến từ đâu” là tên một quyển sách khá hay của vị bác sĩ lấn sân lĩnh vực văn chương. Với tôi, thơ có thể đến từ tột cùng đau khổ, mà cũng có thể đến từ những giây phút sung sướng khi đang “xớ rớ” làm khoa học một cách bất đắc dĩ.
Thuốc trúng dại hay Cỏ sư tử 9 đầu. Ảnh: P.C.T |
“Ô rô ô hô/ chi chi mô mô /mi làm khổ tô/ chẳng biết tên tuổi tồ lô chi mô/ rất có thể loài mới phát hiện/ bạn nào thích nghiên cứu nhào zô!”.
Cám ơn bạn Khánh Hồng đã bình… lựng: “Tận thấy đam mê trong chỉ vài ba câu từ tưởng như là nhí nhố!” khi xem mấy tấm ảnh cây thuốc kèm mấy dòng “vô nghĩa lý” theo kiểu văn chương “ống chích” tôi viết trên Facebook.
Số là ngày 8-3 vừa rồi, tôi về quê đám giỗ bà dì ruột. Trên đường về, ngang qua một đoạn đường làng ở vùng giáp ranh giữa hai xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam) với Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng), nhìn thấy cơ man các loài cây thuốc như Đơn kim, Dạ cẩm, Ngọc nữ treo, Xích đồng nữ,… đang thi nhau nở hoa rợp đất, tôi đi không đành nên dừng lại lấy máy ảnh chụp lia lịa.
Chợt một cây hoa dại (ảnh) mọc xen trong mấy bụi tre ven đường thu hút sự chú ý của tôi. Nhìn cánh hoa dạng lá, hơi giống mấy loài Mảnh cộng, Lá diễn…, nên tôi đoán chắc cây này thuộc họ Ô rô – Acanthaceae.
Về nhà, chỉ bằng mấy thủ thuật đơn giản, vào trang Cây cỏ Việt Nam (http://vietnamplants.blogspot.com/), tìm trong họ Ô rô, thấy ngay mấy tấm ảnh y chang loài mình đã chụp với dòng chú thích của trang chủ trang này: “Peristrophe japonica (Thunb.) Bremek.: Loài này chưa thấy ghi trong sách thực vật, gặp mọc hoang ở Đồng Nai, Đà Nẵng”.
“Được lời như cởi tấm lòng”, tôi tiếp tục nhờ Google chỉ dẫn, tìm được thông tin tóm tắt về những kết luận mới của luận án tiến sĩ “Nghiên cứu phân loại phân tông Xuân tiết (Subtrib. Justiciinae Nees) thuộc họ Ô rô (Fam. Acanthaceae Juss.) ở Việt Nam”, cho biết Peristrophe japonica (Thunb.) Bremek., là 1 trong 6 loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam. Đây là một trong những đóng góp khoa học của luận án tiến sĩ sinh học chuyên ngành Thực vật mới được bảo vệ trong năm 2016.
Mặc dù đã thu thập đủ bằng chứng cho việc định danh loài cây này, tôi vẫn quyết định đăng mấy câu “nhí nhố” như đã nói trên Facebook để thăm dò ý kiến các đồng nghiệp. Một bạn “phây” là Nguyen Le Minh Khue, vốn là con gái một lương y đàn anh, sau khi học Trung y, đang định cư ở Trung Quốc, đã gợi ý: “Chú xem thử có liên quan gì đến cây “九头狮子草”không ?”.
Vào trang http://www.zysj.com.cn), vốn là website “ruột” tôi hay lùng sục cây thuốc, kiểm chứng đúng là cây “Cửu đầu sư tử thảo - Cỏ sư tử 9 đầu” (CST9Đ) này đã được nhiều tài liệu dược học Trung Quốc ghi nhận.
Theo Toàn quốc Trung thảo dược vựng biên, CST9Đ có vị cay, hơi đắng, tính mát; công năng phát hãn giải biểu, thanh nhiệt giải độc, trấn kinh; chủ trị cảm mạo, cổ họng sưng đau, bạch hầu, trẻ em tiêu hóa kém, sốt cao, rôm sảy nhọt độc, rắn độc cắn. Liều dùng 15-30g.
Theo Trung dược đại từ điển thì CST9Đ có công năng thanh nhiệt, hóa đàm, giải độc, chủ trị ho do phong nhiệt, trẻ em kinh phong co giật, đau rát cổ họng, viêm tuyến vú.
Dưới đây là một số cách dùng theo Đông y Trung Quốc:
- Ho do phế nhiệt: CST9Đ 30g, thêm đường kính, sắc uống.
- Viêm phổi: CST9Đ tươi, 30-60g, giã vắt nước thêm tí muối uống.
- Ho do suy nhược: CST9Đ 7 đọt non, chưng với đường mạch nha uống.
- Trẻ em co giật: CST9Đ 20g, giã nhuyễn thêm nước vo gạo lọc uống.
- Trẻ em ọc sữa: CST9Đ (rễ và lá) 20g, sắc uống.
- Cổ họng sưng đau: CST9Đ tươi 60g, sắc uống; hoặc giã vắt nước pha mật ong uống.
- Phụ nữ bạch đới, băng kinh: CST9Đ 120g, hầm thịt heo nạc ăn.
Xin được nói thêm, tôi đem mẫu cây thuốc này hỏi lương y Trần Đình Niên, quê ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, ông cho biết lúc nhỏ thấy mẹ hay hái lá làm thuốc chữa trúng nắng nước, cảm ho, nóng sốt nên gọi là cây Thuốc trúng dại. Như vậy cây này đã được kinh nghiệm dân gian Việt Nam sử dụng tương tự một phần công năng tác dụng ghi trong y văn Trung Quốc. Xin cám ơn Facebook và Google đã giúp tôi định danh cây thuốc mới bổ sung vào Danh lục cây thuốc thành phố Đà Nẵng.
PHAN CÔNG TUẤN