Một cán bộ lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng có đặt hàng cho tôi chọn giúp một số loài cây thuốc đưa vào chương trình nghiên cứu bảo tồn nguồn gen của thành phố Đà Nẵng. Theo tôi, ngoài các cây thuốc quý như Thuốc thượng, Gai ma vương…, nên chọn Lá khôi, mặc dù suốt mấy chục năm nay tôi chưa hề dùng một chiếc Lá khôi nào để chữa bệnh đau dạ dày cả.
PGS.TS Nguyễn Tập và cây Lá khôi ra hoa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ảnh: P.C.T |
Lý do đầu tiên để tôi chọn Khôi (hay còn gọi Lá khôi, Khôi tía, Cơm nguội rừng - Ardisia silvestris Pit, thuộc họ Đơn nem - Myrsinaceae) là vì loài này đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996, 2007) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (V) và khuyến cáo “chỉ khai thác có mức độ và giữ lại những cây con chưa đến tuổi thu hái. Cấm khai thác loài này trong các Vườn quốc gia. Có thể tổ chức gây trồng để lấy nguyên liệu làm thuốc”.
Lý do thứ hai là từ thực tế thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về điều tra cây thuốc trên địa bàn Đà Nẵng, trong gần 2 tháng lội rừng trong năm ngoái, chúng tôi mới gặp cây Khôi có 2 lần. Lần đầu, là vài ba cá thể trong rừng nguyên sinh thuộc tiểu khu 24 của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa vào ngày 4-5-2016. Lần thứ hai vào ngày 18-5-2016 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, số lượng có khá hơn, đặc biệt có một cá thể cao ngang đầu người đang ra hoa. Theo PGS.TS. Nguyễn Tập, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên của Viện Dược liệu Trung ương, dù có kinh nghiệm hơn 50 năm làm công tác điều tra dược liệu trên cả nước, vẫn cho rằng đó là dịp may hiếm có.
Theo Sách Đỏ Việt Nam thì cây Khôi có phân bố ở Lào Cai (Sa Pa), Lạng Sơn (Hữu Lũng), Quảng Ninh, Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Nội (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hóa (Lang Chánh, Ngọc Lạc, Thạch Thành), Nghệ An (Quỳ Châu), Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (Phú Lộc) và Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài ra có phân bố ở Trung Quốc (Hải Nam, Quảng Tây).
Tuy loài có khu phân bố rộng, nhưng số lượng cá thể ít do tái sinh hạt kém, lại bị khai thác làm dược liệu với số lượng lớn nên mất nguồn hạt để tái sinh. Mặt khác những nơi có cây con mọc lại bị chặt phá rừng nên có thể bị tuyệt chủng vì không còn môi trường sống thích hợp.
Cây Khôi thường mọc hoang trong rừng rậm nguyên sinh hay rừng thứ sinh, nơi ẩm nhiều mùn, ven suối, ở độ cao 400-1.500m. Đây là cây nhỏ cao tới 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá tập trung ở đầu ngọn hay các nhánh bên; phiến lá thon ngược dài 15-20cm, rộng 6-10cm, mặt trên màu lục sẫm mịn như nhung, mặt dưới màu tím đỏ, gân nổi hình mạng lưới, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành chùm, dài 10-15m, màu trắng pha hồng tím gồm 5 lá đài và 3 cánh hoa. Quả mọng, khi chín màu đỏ. Hoa ra tháng 4 - 7, quả chín tháng 9 - 12.
Lá khôi là vị thuốc chữa đau bụng, đau dạ dày trong nhân dân. Việc sử dụng này xuất phát từ kinh nghiệm nhân dân miền ngược vùng Lang Chánh, Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa thường dùng lá Khôi chế biến, sắc uống chữa đau bụng. Hội Đông y Thanh Hóa đã kếp hợp dùng lá Khôi (80g), lá Bồ công anh (40g) và lá Khổ sâm (12g) sắc uống chữa đau dạ dày; có thể gia thêm lá Cam thảo dây (20g). Nhiều địa phương khác ở tỉnh Nghệ An cũng dùng lá Khôi chữa đau dạ dày. Lá Khôi được dùng với lá Vối, lá Hòe nấu nước tắm cho trẻ bị sài lở, hoặc giã với lá Vối trộn với dầu vừng đắp nhọt cho trẻ. Đồng bào Dao dùng rễ cây Khôi thái nhỏ phơi khô ngâm rượu uống cho bổ huyết, lại dùng sắc uống chữa kiết lỵ ra máu, đau yết hầu và đau cơ nhục.
Theo kinh nghiệm người viết bài này, có nhiều cây thuốc khác dễ tìm mà điều trị đau dạ dày có hiệu quả tương tự như Cà hai lá, Dạ cẩm, Xăng-sê,… đã từng được giới thiệu trên “Phương hay thuốc quý”. Vì vậy, trước mắt đối với cây Lá khôi, các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng nên ưu tiên chương trình nghiên cứu nhân giống, bảo tồn nguồn gen và hạn chế tối đa việc khai thác trong tự nhiên loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng này.
PHAN CÔNG TUẤN