Ngày 10-5, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn, yêu cầu một số địa phương (trong đó có Đà Nẵng) tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và vi-rút Zika. Những tháng đầu năm 2017, số ca SXH trên phạm vi cả nước giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng đến thời điểm hiện nay, bệnh này lại gia tăng tại một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, thành phố phía Nam vẫn ghi nhận rải rác trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tích cực tham gia và vận động người dân loại bỏ các vật dụng phế thải (như lốp xe, vỏ lon đồ hộp, chai, lọ...) để hạn chế nơi sinh sản của muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa; diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh SXH và Zika. Các địa phương cần bảo đảm đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế để chủ động triển khai hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác dự phòng và điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến...
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ ngày 1 đến ngày 5-5, trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận 64 trường hợp SXH, giảm 21 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận trên 2.500 ca mắc SXH (cao hơn 900 ca so với cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao như quận Thanh Khê (594 ca), quận Hải Châu (457 ca), quận Liên Chiểu (390 ca), quận Cẩm Lệ (308 ca)...
ĐẠI BÌNH