Từ ngày 1-8, giá viện phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ tăng từ 2-4 lần đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là nội dung được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 99/2017/NQ-HĐND ngày 7-7, nhằm thực hiện Thông tư 02/TT-BYT của Bộ Y tế.
Từ ngày 1-8, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng tối đa 4 lần đối với người bệnh không có thẻ BHYT. Trong ảnh: Bệnh nhân chụp CT tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bệnh viện Đà Nẵng hiện có khoảng 2.000 bệnh nhân đang điều trị, 80% trong số đó có tham gia BHYT. Chị Nguyễn Thị Ngọc (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) có người nhà đang điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình cho biết, sau hơn 1 tuần người nhà điều trị chấn thương do tai nạn giao thông, chị phải thanh toán gần 10 triệu đồng viện phí. Đây là khoản thanh toán đã được BHYT đồng chi trả. “Nếu không có BHYT, số tiền này chắc phải lên khoảng 40 triệu đồng. Riêng phần chụp cắt lớp ở đầu và phẫu thuật chân cũng tốn ít nhất vài chục triệu”, chị Ngọc nói. Tương tự, tại Khoa Thận nhân tạo, hơn 300 bệnh nhân đang được điều trị miễn phí hoàn toàn. Theo các bác sĩ tại đây, chi phí chạy thận, lọc máu, các loại thuốc đặc trị cho mỗi bệnh nhân trên dưới 9 triệu đồng mỗi tháng. Nếu không được BHYT chi trả, chắc chắn người bệnh không thể lo nổi vì điều kiện kinh tế gia đình và thời gian điều trị gần như là suốt cuộc đời.
Từ ngày 1-8, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng tối đa 4 lần đối với người bệnh không có thẻ BHYT. |
Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Như vậy, có trên 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá. Đây sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT. Theo Nghị quyết 99/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố, giá dịch vụ khám bệnh sẽ dao động từ 29.000 đồng đến 350.000 đồng, tùy thuộc hạng bệnh viện và mục đích khám (như khám định kỳ, học lái xe, xuất khẩu lao động…). Giá dịch vụ giường điều trị hồi sức tích cực ở bệnh viện hạng đặc biệt tăng 342.000 đồng (từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng/người/ngày); bệnh viện hạng I cũng tăng 278.000 đồng/người/ngày (từ 354.000 đồng lên 632.000 đồng). Nghị quyết 99 của HĐND thành phố cũng đề cập giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng gấp 2 lần, lên gần 680.000 đồng mỗi ngày. Một số dịch vụ như nội soi ổ bụng tăng hơn 220.000 đồng/lần, chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim dưới DSA tăng 700.000 đồng (từ 5,1 triệu đồng lên 5,8 triệu đồng); chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA tăng 800.000 đồng (từ 6 triệu lên gần 6,8 triệu đồng); thậm chí các dịch vụ kỹ thuật cao như chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có giá tối đa gần 21 triệu đồng/lần, tăng gần 2 triệu đồng…
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước mua thẻ BHYT và được Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí KCB theo quy định nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá viện phí lần này. Ngược lại, người không có thẻ BHYT phải chi trả 100% chi phí KCB. Việc quỹ BHYT phải chi trả phần lớn chi phí thay cho những người KCB BHYT với mức giá kết cấu cả tiền lương, phụ cấp theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc đã được thực hiện trong những năm qua. Vì vậy, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02 điều chỉnh giá hơn 1.900 dịch vụ y tế là tất yếu, nhằm mục đích mang lại sự công bằng cho tất cả mọi người. Được biết, toàn thành phố hiện có trên 993.000 người dân tham gia BHYT (đạt 96,5% dân số), hoàn thành mục tiêu BHYT Chính phủ giao.
Trích 3-5% kinh phí KCB để đầu tư cơ sở vật chất Nghị quyết số 99/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 của HĐND thành phố quy định giá dịch vụ khám KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập thuộc thành phố cũng quy định việc quản lý, sử dụng nguồn thu khi thực hiện giá dịch vụ KCB. Theo đó, các cơ sở KCB sẽ dành 3%-5% số thu để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản như bàn, ghế, giường, tủ, xe đẩy, điều hòa, máy tính, bộ dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa… Việc tăng giá viện phí lần này sẽ giúp các đơn vị tự chủ hơn về kinh phí để cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị, giải quyết những bức xúc về tình trạng quá tải, xuống cấp hiện có. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG