Sáng 22-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo thông tin tại hội nghị, Sở Y tế thành phố đang quản lý 9 bệnh viện; 11 đơn vị thuộc hệ dự phòng; 7 trung tâm y tế quận, huyện, 56 trạm y tế xã, phường. Từ tỷ lệ 25,83 giường bệnh/vạn dân năm 2000, đến nay toàn thành phố đã nâng lên 67,68 giường bệnh/vạn dân nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện quá tải, nhất là các bệnh viện loại 1, chẳng hạn công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Đà Nẵng 174,25%, Bệnh viện Phụ sản-Nhi 148,79%, Bệnh viện Ung bướu 116, 95%; các bệnh viện quận, huyện bình quân 120,21%.
Nhiều ý kiến phản biện cho rằng đề án chưa nêu tình hình phát triển của các đơn vị y tế ngoài công lập và các đơn vị y tế của Trung ương trên địa bàn thành phố, trong khi các đơn vị này có liên quan trực tiếp đến các đơn vị y tế công lập thuộc Sở Y tế thành phố. Thời gian của đề án giới hạn “giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” là quá ngắn nên cần phải có phạm vi lâu hơn. Đề án chưa đề cập đúng mức đến phát triển y tế cơ sở, nhất là ở các xã trung du, miền núi; cần chú trọng hơn nguồn lực con người, có chế độ đãi ngộ tốt hơn để giữ chân và thu hút bác sĩ giỏi cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn và quản lý; cần kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với xây dựng đội ngũ thầy thuốc giỏi để nâng cao hiệu quả điều trị; cần có biện pháp giảm tình trạng quá tải tại một số bệnh viện lớn của thành phố. Nhiều ý kiến cũng cho rằng phải thường xuyên tăng cường công tác thanh tra y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khám, chữa bệnh; tăng cường huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, tạo thêm nguồn lực cho quá trình phát triển ngành y tế thành phố...
LÊ VĂN THƠM