Tăng mức đóng BHYT có giảm được trục lợi?

.

Tăng mức đóng BHYT liệu có tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và có giảm được mức độ trục lợi ngày càng tinh vi?

Nếu tăng mức đóng BHYT thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng tương ứng.
Nếu tăng mức đóng BHYT thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng tương ứng.

Bộ Y tế dự kiến năm 2019 mức đóng bảo hiểm y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Luật BHXH 2014 quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 1/1/2018 vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%)  trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Theo BHXH Việt Nam, việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu…, mức hưởng sẽ cao hơn.

Từ 1/7/2017, khi mức lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng thì mệnh giá thẻ BHYT cũng tăng từ 653.000 đồng lên 702.000 đồng/thẻ/năm.

Thực tế mức thu bảo hiểm y tế đã tăng nhưng tình trạng trục quỹ cũng gia tăng tương ứng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, chi khám chữa bệnh BHYT đã vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán chi 6 tháng của BHXH Việt Nam. Tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%; thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm của tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị. Với tình trạng này, dự kiến năm 2017, Quỹ BHYT sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng, trong đó, ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng bội chi Quỹ BHYT ở nhiều địa phương. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh dù không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh, kê thêm giường, thống kê dịch vụ kỹ thuật không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nhằm “rút ruột” quỹ BHYT … Người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày/tuần/tháng để trục lợi quỹ BHYT. Cùng với các thủ đoạn trục lợi trên, không ít bệnh viện cũng lợi dụng Quỹ BHYT bằng cách kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân.

Ngoài ra, do chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến dưới còn hạn chế nên nhiều người không tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ. Họ thường vượt tuyến, chấp nhận chịu thiệt thòi.

Thực tế hiện nay, công tác đấu thầu cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập. Tình trạng thuốc giả tràn lan khiến những người đi khám, chữa bệnh luôn bất an, mất lòng tin vào quỹ, vào những phúc lợi mà lẽ ra mình có quyền được hưởng. Nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn đang sử dụng đội ngũ y bác sỹ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh BHYT, hoặc bác sỹ khám chữa bệnh không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề…

Người dân chỉ mong, tăng mức thu BHYT thì đi kèm với đó là tăng chất lượng khám chữa bệnh, tăng kiểm soát đối với việc sử dụng quỹ BHYT để hạn chế tình trạng trục lợi như thời gian qua. Bởi trục lợi BHYT gia tăng đồng nghĩa cơ hội, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân sẽ giảm.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.