Từ năm 2030-2050 biến đổi khí hậu sẽ gây thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt. Đây là cảnh báo của phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế tại cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh với chủ đề Tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/10.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN) |
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương cho biết điều kiện khí hậu khắc nghiệt sẽ tác động lớn đến chăm sóc sức khỏe, tăng các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. Trong đó, nắng nóng cực đoan sẽ góp phần gia tăng tình trạng tử vong do bệnh tim mạch và hô hấp, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Ngoài ra, lượng mưa tăng và ngập lụt cũng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt khiến tăng các bệnh tiêu chảy, các bệnh do nước gây ra và các bệnh do virus.
Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), phân tích những năm gần đây, nền nhiệt có xu thế tăng trên toàn quốc, khu vực phía Bắc tăng từ 1,9-2,4 độ C, khu vực phía Nam tăng 1,7-1,9 độ C.
Lượng mưa cũng có xu thế tăng từ 5-20%, đặc biệt khu vực Bắc bộ và ven biển miền Trung lượng mưa tăng cao trên 20%. Trong khi đó, Nam Trung bộ và Nam bộ lại có xu hướng giảm mưa trong mùa khô, gây ra hạn hán trên diện rộng. Điển hình là đợt hạn hán và hạn mặn lịch sử tại 22 tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ vào năm 2016. Dự báo đến khoảng năm 2050 với mực nước biển dâng khoảng 30cm, tỷ lệ diện tích ngập của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là 12,6%, Bà Rịa-Vũng Tàu 0,4%.
Ông Đỗ Mạnh Cường nhận định biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bệnh tật, ví dụ như bệnh tiêu chảy. Thực tế tại Hà Nội, số ca dương tính với phẩy khuẩn tả tăng trùng với những năm có hiện tượng El Nino và La Nina. Bệnh tiêu chảy tăng do liên quan đến nhiệt độ cao và lượng mưa tăng, số ca mắc tiêu chảy tăng cao sau những đợt mưa lớn, lũ lụt, mực nước sông tăng cũng liên quan đến tiêu chảy. Nếu nhiệt độ cứ tăng 1 độ C thì sẽ tăng 1,1-1,5% số ca bệnh tiêu chảy. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng cũng gia tăng khi nhiệt độ và lượng mưa đều tăng.
Một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu là tỉnh Cà Mau. Do địa phương này có ba mặt giáp biển nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở.
Dự kiến đến 2020, nước biển dâng cao 0,7m thì Cà Mau sẽ ngập 28% diện tích, sạt lở bờ biển Tây 20-25 m/năm, bờ biển Đông 45-50 m/năm. Hiện Cà Mau có hơn 2.000 hộ dân ven biển sống phụ thuộc vào thiên nhiên, do đó biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Trước đây bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt rét thường tập trung ở các vùng nước ngọt nay cả vùng nước ngọt và nước lợ. Ngoài ra, một số bệnh đường ruột, ung thư... cũng tăng cao.
Các đại biểu đề xuất ngành y tế Việt Nam cần xây dựng kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu có tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch xây dựng phát triển mạng lưới cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo cung cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh cho người dân; xây dựng các chương trình cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh...
Theo Vietnam+