Hỗ trợ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV

.

80 người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đà Nẵng vừa được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ đó, 402 người nhiễm HIV có hộ khẩu Đà Nẵng đang điều trị ARV đều đã có BHYT.

Người nhiễm HIV rất cần có thẻ bảo hiểm y tế để được điều trị bệnh lâu dài.
Người nhiễm HIV rất cần có thẻ bảo hiểm y tế để được điều trị bệnh lâu dài.

Gia đình chị N. (33 tuổi, trú quận Hải Châu) có hoàn cảnh rất khó khăn. Chị N. bị nhiễm HIV từ chồng (làm nghề lái xe đường dài). Sau tai nạn trên đường trong một chuyến chở hàng, chồng chị bị chấn thương nặng ở chân, gánh nặng kinh tế gia đình vì thế đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị. “Không có thẻ BHYT, ốm đau vào viện rất tốn kém. Với những người nhiễm HIV, phải điều trị thuốc ARV liên tục và suốt đời thì việc không có BHYT càng là hạn chế rất lớn. Bây giờ được Trung tâm hỗ trợ mua thẻ BHYT, tôi mừng lắm”, chị N. nói.

Cũng khó khăn như chị N., chị A. (37 tuổi, quận Thanh Khê) bị nhiễm HIV từ chồng cách đây 7 năm. Một mình chị phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học nên cuộc sống rất khó khăn. “Được hỗ trợ thẻ BHYT giúp những người bệnh như tôi giảm phần nào gánh nặng, việc điều trị thuốc ARV vì thế thường xuyên hơn”, chị A. chia sẻ.

Vừa qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 80 người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn mua thẻ BHYT. Như vậy, 100% bệnh nhân có hộ khẩu tại Đà Nẵng và đang điều trị ARV đã có BHYT. Theo thông tin từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 9 năm nay, thành phố phát hiện hơn 2.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 500 bệnh nhân tử vong do AIDS, 1.700 người nhiễm HIV còn sống. Từ tháng 1-2015 khi các dự án tài trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Đà Nẵng chấm dứt hỗ trợ, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi trả trong điều trị bệnh.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như lồng ghép tuyên truyền về BHYT cho người nhiễm HIV trong các buổi tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/ AIDS tại cộng đồng; đặc biệt đẩy mạnh hoạt động của các nhóm tiếp cận cộng đồng. Trung tâm cũng đã cấp trên 5.000 tờ rơi tuyên truyền về chính sách BHYT đến bệnh nhân và cán bộ chuyên trách HIV/AIDS các địa phương. Điều đáng nói, để giữ kín thông tin cá nhân của người nhiễm HIV, Trung tâm tham mưu Sở Y tế thành phố ban hành Quyết định 641/QĐ-SYT về ban hành hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS và quy trình chuyển tuyến, chuyển tiếp giữa các dịch vụ trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, người nhiễm HIV được cán bộ chuyên trách HIV/AIDS tại các quận, huyện hỗ trợ làm thủ tục chuyển tuyến đến phòng khám ngoại trú mà không lộ thông tin. Theo bác sĩ Chung, thuốc ARV không chỉ điều trị cứu sống bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn mang tính chất phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng. Hiện nay, điều trị HIV đã được BHYT chi trả nên nếu người bệnh mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích như: khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, cung cấp thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bị nhiễm HIV, chủ yếu là người ngoại tỉnh, chưa có thẻ BHYT. “Chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông để người nhiễm HIV nắm được quyền lợi khi tham gia BHYT; đồng thời tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân tham gia BHYT, bảo đảm bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị liên tục, lâu dài hiệu quả nhất”, bác sĩ Chung nói.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.