Việc phải sinh bằng được con trai mới hoàn thành “nhiệm vụ” gia đình vẫn còn là gánh nặng đối với phụ nữ Á Đông. Áp lực này vô tình khiến phụ nữ chịu tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần, nhất là mặc cảm với gia đình và xã hội.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và xây dựng gia đình của phụ nữ sinh con một bề gái, không sinh con thứ 3” tại quận Liên Chiểu. |
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh (của cả nước) ở mức 109,8 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2013 là 113,8/100; năm 2014 là 111,2/100 và năm 2016 vẫn duy trì ở mức 112,2/100. Dù đã có nhiều biện pháp can thiệp nhưng tỷ số trên tiếp tục tăng tại một số nơi và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố Đà Nẵng năm 2016, Đà Nẵng đã kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới 0,3%. Tổng số trẻ em sinh ra là 13.611 trẻ và tỷ số giới tính khi sinh tương đương 106,6 bé trai/100 bé gái.
Để có kết quả trên, từng phường, xã của thành phố Đà Nẵng đều nỗ lực vận động các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ chỉ nên sinh đủ 2 con. Cụ thể như phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) có tổng số 2.560 phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Hầu hết chị em làm công nhân, đời sống tương đối ổn định, số lượng gia đình đi biển đã chuyển ngành nghề phù hợp. Qua quá trình vận động về DS-KHHGĐ, tỷ lệ mất cân bằng giới tính của phường giảm đáng kể. 11 tháng đầu năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 104,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Chị Lê Thị Hồng Yến, cán bộ chuyên trách dân số của phường tâm sự: Chị sinh được 2 con gái. Sâu thẳm trong tâm tư, vợ chồng chị khát khao có thêm con trai. Thế nhưng thay vì mãi buồn tủi, ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, chị dành tất cả yêu thương cho mái ấm của mình để chồng cảm nhận được sự chia sẻ. Chồng cũng đã thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của vợ nên thống nhất dừng lại ở hai con. Chuyện của gia đình chị đã có tác động lớn đến chị em có hoàn cảnh tương tự trên địa bàn phường.
Nhận định về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ thừa nhận, việc các gia đình cố sinh cho được con trai là thách thức hàng đầu với những người làm trong ngành dân số. Thách thức này thuộc về tư tưởng, tâm lý nên rất khó thay đổi; hoặc nếu thay đổi được thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức mà khi đó, hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính đã càng ngày càng diễn biến nhanh và cận kề.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và xây dựng gia đình của phụ nữ sinh con một bề gái, không sinh con thứ 3” của quận Liên Chiểu, chị Nguyễn Thị Kim Vân (phường Hòa Minh) chia sẻ: Tôi là người mẹ có 2 con gái và từng chứng kiến những gia đình khi ăn trải 3 chiếu, ai không sinh được con trai phải ngồi chiếu dưới. Đây là hủ tục cần thay đổi vì nó khiến nhiều người không “ngẩng mặt” lên được với dòng họ. Còn với tôi, dù sinh con gái hay trai, các con đều là máu thịt của mình, miễn sao mình nuôi dạy con tốt và các con biết kính trên nhường dưới, chăm lo học hành là hạnh phúc của gia đình tôi.
Bài và ảnh: MAI KHUÊ