Trong năm học 2017, gần 200 nữ sinh lớp 10 và lớp 11 Trường THPT Tôn Thất Tùng có cơ hội giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như các vấn đề trong cuộc sống. Điểm chung của các em đều là con ngoan, trò giỏi và là con của các gia đình sinh con một bề.
Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng tham gia tích cực hoạt động tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Em Lê Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 11/1, Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết, gia đình em “toàn vịt trời” theo lời nói đùa của ba mẹ. Em là con út, trước em còn 3 chị gái. Ba làm nghề biển, mẹ nội trợ; tuy nhiên ba mẹ chưa bao giờ nói về sự mong mỏi có thêm một em trai hay buồn phiền về 4 chị em. Ba em luôn bảo: “Con nào cũng như nhau, miễn rằng các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu thuận với ông bà, ba mẹ và mọi người xung quanh là ba hạnh phúc lắm rồi”; vì thế 4 chị em luôn chia sẻ việc nhà, cùng nhau học tập tiến bộ. Em rất hạnh phúc được sinh ra trong gia đình có bố mẹ luôn đối xử với các con công bằng như nhau. Điều đó đã giúp em có cơ hội phát triển toàn diện, luôn học giỏi từ cấp THCS cho đến nay.
Tại buổi giao lưu, các em còn được lắng nghe tâm sự của em Trần My Na, học sinh lớp 10/1 Trường THPT Tôn Thất Tùng. Na là chị cả trong gia đình có 2 chị em gái. Na chia sẻ, khi tôi còn rất nhỏ, mỗi lần có người thân đến thăm mẹ tôi sinh em bé, tôi đều nghe mọi người bảo mẹ nên sinh thêm để có thằng cu. Lúc đó tôi không hiểu lắm, chỉ thấy có em thật thích. Chỉ có mẹ tôi phải nếm trải không ít cay đắng, tủi hờn với những lời bóng gió nặng nhẹ, hờn trách. Thậm chí, họ gọi mẹ tôi là thứ không biết đẻ! Gia đình tôi vô phúc... Sau này mọi người đã hiểu khi thấy chị em tôi rất ngoan và học giỏi. Cứ thế chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ. Thi thoảng bà đưa tôi đi chơi, có người hỏi chừng nào có cháu trai nối dõi tông đường, bà tôi đều bảo nuôi hai chị em đã vất vả thì không sinh thêm nữa. Qua đài, báo tôi được biết nhiều gia đình đối xử không công bằng với con gái. Tôi thấy con gái vẫn có thể học tập tốt, chơi thể thao giỏi. Vì vậy, phải đối xử công bằng với các trẻ em gái.
Ông Võ Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết: Trường có 1.400 học sinh các khối lớp, chủ yếu các em ở quận Sơn Trà. Một số gia đình làm nghề biển, vẫn còn mong muốn sinh nhiều con và có con trai. Vì vậy, nhà trường rất mong các ngành, các cấp tổ chức những chương trình ngoại khóa và thông qua chương trình này để tôn vinh những nữ sinh trong gia đình sinh con một bề, giúp các em vượt khó vươn lên và không bị phân biệt đối xử. Những hoạt động này cũng giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về giới tính; góp phần hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi và hậu quả mất cân bằng giới tính - một thực trạng báo động hiện nay ở không ít địa phương.
Bài và ảnh: MAI HOA