10 sự kiện tiêu biểu năm 2017 của ngành y tế

.

Bộ Y tế vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành y tế trong năm 2017, trong đó có sự kiện lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế cơ bản.

* Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, với mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.  Đồng thời, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội...

* Đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Mức giá có tiền lương chỉ áp dụng cho người có thẻ bảo hiểm y tế nên không ảnh hưởng đến người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Mặt khác khuyến khích người dân mua bảo hiểm y tế, ước tính năm 2017 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86%.

* Đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Như vậy, sẽ giảm ít nhất 1.260 vị trí lãnh đạo (cấp trưởng, phó các đơn vị), giảm biên chế làm gián tiếp trong các tổ chức như: Hành chính, văn thư, tổ chức, lái xe, bảo vệ... Ngành y tế hiện có khoảng 17.000 cán bộ làm việc trong lĩnh vực này, trong đó có khoảng 3.400 cán bộ làm gián tiếp (chiếm khoảng 20%). Đến nay đã giảm được 2.140 người (biên chế).

* Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng. Lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam; ghép tim cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất 10 tuổi; thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Ca ghép phổi được thực hiện thành công tại Học viện Quân y
Ca ghép phổi được thực hiện thành công tại Học viện Quân y

 * Lần đầu tiên lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại trạm y tế xã và triển khai đề án tăng cường y tế cơ sở với kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ chế mới, để thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.

* Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống bảo đảm quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vaccine và các tiện ích khác cho người dùng.

* Đấu thầu thuốc tập trung thuốc quốc gia với 5 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu. Tổng giá trúng thầu là hơn 2.269 tỷ đồng, đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch.

* Việt Nam tự chủ sản xuất vắc xin Sởi – Rubella. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine 2 trong 1 trên dây truyền công nghệ hiện đại, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

* Sự cố hy hữu xảy ra khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình khiến 8 người tử vong. Nguyên nhân được chỉ ra là do các mẫu nước trong máy lọc thận không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI.

* Nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ. Ngành y tế lên tiếng kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương xem xét và có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những đối tượng gây thương tích cho các thầy thuốc nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.
.