Cứu thai phụ bằng "máy tim phổi nhân tạo"

.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng đã cứu sống một thai phụ bằng kỹ thuật ECMO-hệ thống có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi. Đây là kỹ thuật cao cấp bậc nhất của chuyên ngành hồi sức cấp cứu, kịp thời cứu sống những ca bệnh suy hô hấp cấp, suy tim tưởng như vô phương cứu chữa.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống thai phụ bằng phương pháp ECMO. Ảnh: P.C
Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống thai phụ bằng phương pháp ECMO. Ảnh: P.C

Sáng 13-3, bà Tô Thị Nguyệt (65 tuổi, trú xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trong lúc làm thủ tục đưa con gái xuất viện sau 3 tuần điều trị vẫn chưa thể tin con gái và cháu của mình đã bình yên vô sự. Trước đó, ngày 22-2, chị Trần Thị Thúy H. (22 tuổi), con gái bà Nguyệt được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng với các triệu chứng ho, sốt, cảm cúm. Theo người nhà bệnh nhân, cơ sở y tế khám, chữa bệnh ban đầu đã nhận định chị H. bị sốt siêu vi và điều trị theo hướng đó. Đến khi chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng thì sức khỏe chị H. nhanh chóng diễn tiến nặng, được đưa vào khoa Hồi sức tích cực-Chống độc trong tình trạng suy hô hấp, trụy mạch. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là tình trạng nhiễm virus, gây biến chứng viêm phổi và tổn thương cơ tim. Được biết, bệnh nhân H. đang mang thai con đầu lòng ở tuần thứ 21. Các biện pháp hồi sức ban đầu nhanh chóng được triển khai với mục tiêu trước mắt của các bác sĩ là ưu tiên bảo đảm tính mạng cho mẹ trước.

Tuy nhiên, sau 4 ngày sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu cải thiện với các triệu chứng như suy đa cơ quan, tổn thương phổi, nguy cơ tử vong cả mẹ và con rất lớn. Với nỗ lực tìm kiếm hy vọng cho người bệnh, tối 26-2, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành hội chẩn và áp dụng kỹ thuật ECMO đối với trường hợp này. “Bệnh nhân phải sử dụng nhiều thuốc vận mạch, thở máy áp lực cao, tuy có thể duy trì cung cấp oxy cho cơ thể nhưng việc điều trị này lại khiến tim vốn đang yếu lại phải tăng cường hoạt động sẽ ảnh hưởng xấu đến thai, nếu không nhanh chóng cải thiện thì thai nhi sẽ tử vong và tính mạng bệnh nhân cũng không được bảo đảm. Đó là lý do bệnh viện sử dụng kỹ thuật ECMO nhằm mục đích cho tim, phổi của bệnh nhân được nghỉ ngơi”, bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Hiền cho biết.

Theo bác sĩ Hiếu, hệ thống máy áp dụng trong kỹ thuật ECMO sẽ thay thế chức năng của phổi trong những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp. Máu được đưa ra khỏi cơ thể từ tĩnh mạch qua màng lọc có chức năng như phổi của con người, màng lọc sẽ gắn kết máu với ô-xy trước khi trả lại về tĩnh mạch để đi vào cơ thể. Tương tự, việc lấy máu từ tĩnh mạch qua hệ thống màng lọc nhưng được trả về động mạch sẽ được áp dụng cho những trường hợp cần hỗ trợ tuần hoàn (hỗ trợ tim). Sau khi kết nối với hệ thống ECMO, tim và phổi của bệnh nhân được “nghỉ ngơi”, đồng thời việc tưới máu cho thai nhi cũng được tăng cường. Sau 4 ngày điều trị bằng kỹ thuật ECMO, chức năng tim và huyết động của bệnh nhân dần ổn định, đặc biệt là thai nhi vẫn phát triển tốt. Đến nay sức khỏe của bệnh nhân và thai nhi đã bình phục.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, ECMO là kỹ thuật hàng đầu của chuyên ngành hồi sức cấp cứu được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng từ năm 2015. Đến nay đã có khoảng 30 trường hợp được cứu sống nhờ phương pháp này, nhưng đây là lần đầu tiên tiến hành và thành công đối với trường hợp bệnh nhân thai phụ.

Mặc dù bệnh nhân có đăng ký khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chi phí điều trị bằng kỹ thuật ECMO nằm ngoài danh mục chi trả của BHYT. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình như đơn trình bày của bà Nguyệt, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng đã kêu gọi được hơn 200 triệu đồng từ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Số tiền này đủ giúp thai phụ H. thanh toán toàn bộ viện phí phát sinh ngoài danh mục chi trả của BHYT.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.