Hiến tạng

.

Một năm trước, tôi nói với chồng về mong muốn làm thủ tục hiến mô, tạng sau khi tôi qua đời, chồng “hứ!” liền một cái. Chồng hiểu ý nghĩa tốt đẹp của việc này và càng không cứng nhắc quan niệm “chết toàn thây”, nhưng đang trẻ trung, vui vẻ, tự dưng nói đến cái chết như có “điềm” nên chưa sẵn sàng tiếp tục trao đổi vấn đề ngay lúc đó.

Tôi phải nói với chồng, vì về mặt thủ tục pháp lý tôi không thể tự quyết định mà cần có sự đồng ý xác nhận của người thân trong gia đình. Trong vấn đề hiến mô, tạng, quyết định của người thân thậm chí quan trọng hơn cả người hiến, vì khi người có nguyện vọng hiến đã chết rồi thì làm sao họ liên hệ được với nơi tiếp nhận, do đó, quyết định của người thân mới có ý nghĩa cuối cùng.

Không ít người cũng từng nghĩ đến việc hiến mô, tạng nhưng vẫn cảm thấy nói ra nguyện vọng hoặc thực hiện thủ tục lúc này là quá sớm, bởi tin rằng cuộc sống của chúng ta còn lâu mới chấm dứt. Thật ra chúng ta đâu ai có thể khẳng định được sự sống vào ngày mai của bản thân, càng không thể “chốt” vòng đời của mình ở ngưỡng 100 tuổi, nên tính ra nghĩ về cái chết ngay lúc này mới thực tế.

Nói vậy thôi chứ để vượt qua tâm lý “cho mà không lo” là cả cuộc đấu tranh nội tại gay cấn. Đó là lý do chính khiến người chờ ghép mô, tạng vẫn xếp hàng dài dài, trong khi nguồn mô, tạng hiến luôn trong tình trạng khan hiếm và rất nhiều người đáng ra đã được sống lại phải mãi mãi ra đi chỉ vì không thể tiếp tục chờ ngày được ghép tạng.

Vận động một ai đó tự tin đăng ký hiến mô, tạng là hành trình không đơn giản, bởi như đã nói, hành động ấy phải xuất phát từ tâm nguyện và ý chí của cá nhân người hiến cùng sự đồng thuận của gia đình họ. Thế nhưng mấy hôm nay chúng ta lại đang được chứng kiến “làn sóng” tình nguyện đăng ký hiến thân thể mình sau khi qua đời lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước.

Chưa bao giờ mỗi ngày đọc báo lại được thấy những thông tin không thể ấm áp hơn: hai vợ chồng cùng nhau đi đăng ký hiến mô, tạng; một ông chồng nhận thẻ hiến mô, tạng về làm... quà 8-3 tặng vợ; cả gia đình từ bố mẹ đến các con đều đã hoàn tất thủ tục hiến mô, tạng và luôn mang thẻ hiến mô, tạng bên người như một vật kỷ niệm đáng tự hào, nhắc nhớ nhau sống thật lành mạnh để gìn giữ nội tạng cho người sau...

Và ở những nơi tiếp nhận mô, tạng trên cả nước như Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Hà Nội) hay Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chưa bao giờ thấy con số người đi đăng ký hiến cao đột biến như những ngày qua.

Rưng rưng, cảm kích và nhen nhóm trong lòng mình mong mỏi “cho đi” là tâm trạng chung của rất nhiều người, những con người hoàn toàn xa lạ nhưng được bắt nhịp chung dòng cảm xúc trước câu chuyện bé Hải An đã hiến 2 giác mạc của mình khi em vừa ra đi (ngày 22-2-2018) vì căn bệnh ung thư.

Dù mới 7 tuổi, Hải An đã có thể nói được điều này với mẹ: “Con muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác...”. Suy nghĩ của “thiên thần nhỏ” - cách hàng triệu người đang trìu mến gọi em đã thực sự thức tỉnh và truyền cảm hứng cho rất nhiều người cũng có nguyện vọng hiến mô, tạng nhưng trước đó chưa đủ quyết tâm hành động.

Khi bắt đầu viết câu chuyện này, tôi có hỏi lại Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, một trong những đầu mối vận động hiến mô, tạng và được biết tin rất vui: Đà Nẵng hiện đã có 20 người nhận thẻ hiến mô, tạng, nghĩa là những người này đã hoàn tất thủ tục và về mặt pháp lý đã chắc chắn được thực hiện tâm nguyện khi qua đời.

Cách đây chừng 2 năm, con số này là 15 người. Dù từng ấy năm mới nhích lên được thêm 5 người nhưng đó thực sự là dấu hiệu đáng mừng vì sự “cho đi” vẫn đang lan tỏa. Có thể có đến hơn 18 cơ quan trong cơ thể một người chết được dùng để tiếp nối những sự sống khác.

Hãy nhân con số này lên với từng ấy người ở Đà Nẵng đã sở hữu tấm thẻ được cho đi thân thể mình sau khi qua đời, chúng ta có thể mỉm cười hy vọng bao nhiêu người nữa có cơ hội được sống. Riêng với số người đăng ký hiến giác mạc, Đà Nẵng đã có hàng ngàn người.

Đáng mừng hơn khi việc vận động hiến mô, tạng dù vẫn còn gặp trở ngại do tâm lý chưa sẵn sàng “chết không toàn thây” của nhiều người, nhưng sự cởi mở trong nhận thức của mọi người đã rõ lên khi việc chia sẻ chủ đề này không cần quá nhiều lời vòng vo giải thích.

Hiện nay, cơ sở y tế tại Đà Nẵng đã thực hiện được kỹ thuật ghép giác mạc và ghép thận. Đó là sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y khoa của thành phố. Có điều, những người ở Đà Nẵng muốn đăng ký hiến mô, tạng thì phải qua các bước trung gian so với việc được nhanh chóng đến trực tiếp nơi tiếp nhận như người dân ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì Đà Nẵng chưa có trung tâm lưu trữ mô, tạng.

Tuy vậy, khi có lòng thì một chút phức tạp hơn trong quá trình đăng ký cũng không là trở ngại, nếu người hiến đã thấu hiểu rằng việc cho đi là điều tốt đẹp nhất họ có thể làm được trên hành trình sống của mình. Một ngày nếu có nhắm mắt xuôi tay thì không chỉ là tình cảm còn đọng lại mà có thể nhịp đập, ánh mắt, nụ cười, bàn tay ấm áp của họ vẫn còn hiện hữu.

THU HOA

;
.
.
.
.
.
.