Ung thư phổi và ung thư vú được xem là 2 căn bệnh ung thư gây tỷ lệ tử vong đến 50%. Những ngày đầu mới thành lập, tại khoa Ung bướu tổng hợp (UBTH), Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cứ 5 ca bệnh thì 4 ca là người ngoại tỉnh, 1 ca người Đà Nẵng.
Hiện tại, 5 ca bệnh thì 4 ca là người Đà Nẵng, 1 ca ngoại tỉnh. Theo BS Đặng Nguyên Kha, Trưởng khoa UBTH, sự thay đổi này là do người Đà Nẵng bắt đầu tin tưởng Bệnh viện Ung bướu để chữa bệnh, thay vì đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Singapore... như trước đây.
Sự gần gũi, ấm áp của bác sĩ Đặng Nguyên Kha khiến người bệnh cảm thấy ấm lòng. |
Cập nhật những tiến bộ y khoa mới nhất
Theo BS Đặng Nguyên Kha, từ khi khoa UBTH được tách riêng, chuyên về điều trị ung thư phổi và ung thư đầu, mặt, cổ, đội ngũ y, bác sĩ của khoa thường xuyên được gửi đi Nhật để học hỏi công nghệ điều trị ung thư phổi của nước bạn.
“Mỗi khóa học “chuyển giao công nghệ” kéo dài chừng 3 tháng, được các bác sĩ đầu ngành của nước bạn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Sau khóa học, các bác sĩ được cấp bằng chứng nhận, có thể phẫu thuật trực tiếp trên cơ thể người Nhật.
Hiện tại, khoa đã xây dựng được một vòng điều trị khép kín (còn gọi là điều trị đa mô thức). Tức là một bệnh nhân tại khoa sẽ được tập trung điều trị bằng rất nhiều phương pháp. Sau khi mổ sẽ được điều trị hóa chất ngay. Vòng tròn khép kín này giúp khoa theo dõi bệnh nhân tốt hơn”, bác sĩ Kha nói.
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng mới ra đời, nên đa phần trang thiết bị khám chữa bệnh mới, kỹ thuật tân tiến hơn; đồng thời là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh và một số bệnh viện nước ngoài khác, thường xuyên được chuyển giao công nghệ, tập huấn, giúp cho tay nghề đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng cao.
Ngoài ung thư phổi, khoa UBTH cũng nổi bật về điều trị các loại ung thư đầu, cổ như tuyến giáp, họng, miệng,... Dẫu đây là ngành điều trị mới, song, kết quả đạt được cũng khá tốt.
Những ngày giữa tháng 9-2017, bệnh viện tiến hành phẫu thuật thành công khối u trung thất lớn chèn ép tim phổi cho một bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử tăng huyết áp. Bệnh nhân vào viện với triệu chứng khó thở, kèm đau tức ngực phải.
Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán u trung thất/tăng huyết áp biến chứng chèn ép gây suy hô hấp. Bệnh nhân đã được hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật cắt khối u trung thất.
Ê-kíp mổ do các bác sĩ Đặng Nguyên Kha, Dương Phước Tuấn cùng với đội ngũ gây mê đã tiến hành phẫu thuật thành công cắt toàn bộ khối u cho bệnh nhân. Các phẫu thuật viên đã dùng hệ thống nội soi lồng ngực hỗ trợ, dao siêu âm để rút ngắn thời gian mổ và sau 3 tiếng các bác sĩ đã lấy ra trọn vẹn khối u lớn kích thước 15x8cm. Đây được xem là trường hợp mổ thành công khối u trung thất lớn nhất.
Xây dựng một khoa chữa bệnh như ngôi nhà của bệnh nhân
Theo chân bác sĩ Đặng Nguyên Kha đi thăm bệnh vào đầu giờ sáng, cảm nhận rõ nhất là sự giao tiếp giữa bác sĩ và người nhà, người bệnh gần gũi như người thân trong gia đình. Hơn 60 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa UBTH, bác sĩ Kha thuộc lòng tên họ cũng như hoàn cảnh gia đình.
“Kia là ông N.T.H., ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ông H. nhập viện 6 tháng nay, được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 3. Lúc mới vào viện, ông không đi được, không nói nổi, nay thì nói thều thào được rồi. Hai vợ chồng cũng khó khăn nhưng lại không có BHYT hộ nghèo.
Chúng tôi đã làm mọi hồ sơ giấy tờ để người nhà mang về xã làm BHYT cho bệnh nhân nhưng cũng chưa thấy xã cấp, không biết thế nào... Đây là cô N.N., ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Cô N. mắc ung thư phổi giai đoạn 2. Trải qua 6 đợt hóa trị rồi, đáp ứng thuốc tốt. Hiện cô đang điều trị ngoại trú, cứ nửa tháng vào viện truyền hóa chất một lần...”. Cứ thế, đến giường bệnh nào, bác sĩ Kha cũng chia sẻ đôi điều về bệnh nhân.
Theo bác sĩ Kha, ung thư phổi là căn bệnh suy hô hấp mãn tính, bệnh nhân bị bệnh mãn tính chắc chắn xác định con đường điều trị gian nan, kéo dài. Nơi chữa bệnh được xem như ngôi nhà thứ hai của người bệnh. Bên cạnh chăm sóc bệnh nhân về mặt điều trị, còn chăm sóc về mặt tâm lý.
Chính liệu pháp tinh thần này chiếm 50% tỷ lệ thành công. Nếu ai đã từng đến Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh hay các khoa ung bướu ở những bệnh viện khác, dễ dàng thấy hình ảnh 4, 5 người bệnh cùng “chia sẻ” một giường bệnh. Khoa UBTH, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có 60 giường bệnh, khoa luôn duy trì mức dưới 60 bệnh nhân để đảm bảo tất cả bệnh nhân đều được điều trị, phục vụ tốt.
Bà Nguyễn Thị Ng. (vợ bệnh nhân N.T.H) chia sẻ, từ ngày bà cùng chồng vào viện, mọi sinh hoạt, ăn uống của hai vợ chồng đều diễn ra tại đây. Là người dân quê, chỉ biết đến rau lá vườn nhà, thời gian đầu, bà rất khó khăn để hòa nhập.
Thêm phần ông đau đớn, rên la luôn, bà càng rối rắm. May là tại đây, ông bà được y, bác sĩ cùng người nhà các bệnh nhân khác chia sẻ nhiều điều. Với bệnh tình của ông, bà chẳng dám hy vọng nhiều. Chỉ đơn thuần cảm thấy ấm áp khi những năm cuối đời của ông được sống trong tình thương yêu của cộng đồng.
Theo số liệu do Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cung cấp, năm 2015, số lượt bệnh nhân đến khám tại bệnh viện là 8.470 lượt; năm 2016 lên 28.065 lượt và năm 2017 là 32.360 lượt. |
Bài và ảnh: Q.TR