Bác sĩ pháp y: Thầm lặng cống hiến

.

Tiếp cận nạn nhân đầu tiên để tìm kiếm chứng cứ khoa học, khách quan, hỗ trợ cơ quan chức năng tìm lời giải cho các vụ án, sự việc là nhiệm vụ của các nhân viên pháp y (Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng). Đằng sau nhiệm vụ đi tìm sự thật ấy là những khó khăn, trăn trở của người trong cuộc.

Nhân viên Trung tâm Pháp y thành phố đo điện não đồ xác định mức độ thương tích của một nạn nhân tai nạn giao thông.
Nhân viên Trung tâm Pháp y thành phố đo điện não đồ xác định mức độ thương tích của một nạn nhân tai nạn giao thông.

Buổi sáng cuối tuần, y sĩ Nguyễn Bá Hiến, nhân viên y tế tại Trung tâm Pháp y thành phố đang đo điện não đồ cho một nạn nhân - anh N.V.K. (41 tuổi, trú quận Thanh Khê) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Cú va chạm khiến anh ngã xuống đường, bất tỉnh.

Cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận sự việc đã yêu cầu trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khỏe tại Trung tâm Pháp y thành phố. Theo anh Hiến, giám định mức độ tổn hại sức khỏe do tai nạn giao thông, đánh nhau, xâm hại tình dục là hoạt động thường xuyên tại Trung tâm. Những kết luận ban đầu là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý sự việc theo quy định của pháp luật.

Trung tâm Pháp y thành phố hiện có 20 nhân viên nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Bác sĩ Mai Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết, ngoài giám định tổn hại sức khỏe, đơn vị còn có nhiệm vụ giám định tình trạng sức khỏe trong chấp hành án, giám định hung khí, tham gia giải thích trước tòa, đặc biệt là khám nghiệm tử thi trong các vụ án mạng, tai nạn giao thông, tử vong chưa rõ nguyên nhân.

“Có những sự vụ nạn nhân chết đã lâu nên việc khám nghiệm hết sức vất vả, thậm chí các giám định viên cũng bị ám ảnh. Thời gian khám nghiệm có khi kéo dài 5-7 tiếng đồng hồ để tìm chứng cứ, cơ sở khoa học. Xong việc, có khi chẳng dám ăn uống, sinh hoạt”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Đối với bác sĩ pháp y, nguy cơ mắc các bệnh như AIDS, lao, phổi, các bệnh ngoài da rất cao do phải thường xuyên tiếp xúc với những tử thi đang trong quá trình phân hủy. Ngoài ra, trong nhiều tình huống các bác sĩ pháp y phải chịu áp lực rất lớn khi bị chính gia đình nạn nhân uy hiếp, cản trở, gây khó dễ do tâm lý không muốn người thân bị dao kéo động vào. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn e dè, kỳ thị khi tiếp xúc với các bác sĩ pháp y.

“Tôn chỉ của ngành pháp y là vụ việc phải được sáng tỏ, kết luận đúng người, đúng tội, đặc biệt không để xảy ra tình trạng oan sai. Chỉ cần sai sót một chút từ nhân viên pháp y thì có thể kéo sự việc hoàn toàn đi theo hướng khác. Điều này trái ngược với lương tâm, đạo đức cũng như Luật Giám định tư pháp”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Hiện nay, thu nhập của nhân viên pháp y được hỗ trợ thêm theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Ngoài ra, trong những năm qua, UBND thành phố cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi để hỗ trợ lực lượng này, với mức hỗ trợ từ 0,2 - 0,6 mức lương tối thiểu/tháng cho các nhân viên y tế tại Trung tâm Pháp y. Trong năm 2017, đơn vị này đã giám định 567 trường hợp, chủ yếu là giám định tổn hại sức khỏe (408 trường hợp) trong các vụ tai nạn giao thông, đánh nhau.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay, theo bác sĩ Ngọc, chính là tình trạng thiếu nhân lực. Hiện Trung tâm chỉ có 4 bác sĩ (gồm 3 giám định viên) trong khi phần công việc phải làm hằng ngày quá nhiều. “Theo quy định, mỗi sự việc khi trưng cầu giám định phải có 2 giám định viên tham gia. Chúng tôi hiện chỉ có 3 người nên không thể chia 2 ca để thay phiên nhau trực.

Chưa kể các nhiệm vụ khác như công tác hành chính, hội nghị cũng phải được thực hiện song song nên việc thiếu nhân lực là bài toán khó hiện nay ở Trung tâm. Hiện chúng tôi cần thêm 6 bác sĩ mới đáp ứng được công việc. Trong những năm qua, ngành y tế thành phố dành nhiều ưu đãi để hỗ trợ, tuyển dụng bác sĩ pháp y nhưng vẫn không hiệu quả”, bác sĩ Ngọc nói.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.