Lặng thầm y, bác sĩ vùng xa

.

Vượt mọi khó khăn về điều kiện vật chất, các cán bộ y tế của Trạm xá quân dân y kết hợp (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trở thành điểm tựa giúp đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh kịp thời.

Người dân đến khám tại Trạm xá quân dân y kết hợp và được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc.
Người dân đến khám tại Trạm xá quân dân y kết hợp và được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc.

Một ngày đầu tháng 6, dưới cái nóng hè ướt đẫm mồ hôi, các thầy thuốc Trạm xá quân dân y kết hợp vẫn ân cần hỏi han, khám bệnh cho bà con dân tộc Cơ tu. Trạm xá quân dân y kết hợp do Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Sư đoàn Phòng không 375 thành lập 14 năm qua, hiện trạm có 1 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên và tăng cường 1 bộ đội. Từ khi thành lập đến nay, công việc chủ yếu của trạm là khám chữa bệnh cho bà con đồng bào Cơ tu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí.

Y sĩ Trịnh Trung, Trạm phó Trạm y tế xã Hòa Bắc, phụ trách Trạm xá quân dân y kết hợp cho biết, trước đây, mỗi khi đau ốm, bà con chữa bệnh theo phong tục, cúng bái, dùng thuốc nam hoặc chờ bệnh tự hết, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Từ khi trạm xá này hoạt động, tình trạng đó đã không còn khi bà con thường xuyên ghé trạm để được tư vấn và khám chữa bệnh. Những ngày đầu trạm xá hoạt động, bà con đến còn thưa thớt nhưng không nản chí, các y, bác sĩ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu.

“Mới đầu, bà con cứ nghĩ đến trạm phải tốn tiền mới được chữa bệnh, ở nhà tự chữa tuy lâu hết nhưng không tốn kém. Về sau, nhiều người bệnh nặng, đến khám và được phát thuốc miễn phí thì bà con tin tưởng, thường xuyên ghé trạm hơn. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 150 người đến khám. Từ đầu năm đến nay, trạm đã tiếp nhận gần 1.000 lượt bệnh nhân”, y sĩ Trung chia sẻ.

Công tác tại Cơ quan Quân sự quận Thanh Khê và được tăng cường về trạm, Đại úy Dư Văn Tý cho biết, hơn 10 năm nay, mỗi năm anh lên Hòa Bắc 2 đợt, mỗi đợt 20 ngày, phối hợp với trạm xá khám chữa bệnh cho nhân dân. Những ngày đầu anh đến đây, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thường xuyên mắc các bệnh ngoài da, đau bụng, ngộ độc nhưng không chịu đi khám.

Nhiều người còn tụ tập uống rượu dẫn đến ảo giác, ngộ độc, được đưa đến trạm khám thì hung hăng đánh, chửi các y, bác sĩ. “Việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cũng rất khó khăn. Các y, bác sĩ phải xuống tận làng, cùng ăn ở, sinh hoạt với bà con để hiểu rõ phong tục tập quán, dễ dàng khuyên nhủ họ hơn”, Đại úy Dư Văn Tý nói.

Theo các cán bộ y tế, bà con dân tộc đến khám chủ yếu là người già và trẻ em. Trẻ em phổ biến mắc các bệnh về tiêu hóa, cảm cúm, suy dinh dưỡng. Người già mắc các bệnh thấp khớp, huyết áp, đau đầu, thiếu máu…

Những trường hợp bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên bằng nghiệp vụ và trang thiết bị y tế sẵn có, các y, bác sĩ nơi đây cố gắng chữa trị vì việc di chuyển đường sá xa xôi có khi nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Ngoài việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc thông thường, đội ngũ y, bác sĩ tại trạm còn thực hiện tốt chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

Với phương châm “lấy dự phòng là chính”, hằng năm, trạm xá phối hợp cùng trạm y tế xã thực hiện tuyên truyền, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh theo mùa, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da và HIV/AIDS. Trạm xá quân dân y kết hợp còn thực hiện tiêm chủng mở rộng, sổ giun cho học sinh, tẩm thuốc màn diệt muỗi, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tổ chức cấp phát muối i-ốt cho bà con đồng bào…

Một tay bế bé 3 tuổi, tay dắt bé 7 tuổi đến trạm chờ khám, chị Bùi Thị Hóa (thôn Giàn Bí) bộc bạch: “Bé lớn nhà tôi rất ít ăn, suy dinh dưỡng nên thường xuyên đau ốm. Nhờ được các y, bác sĩ khám, phát thuốc mà cháu ăn được, ngủ được, tôi mừng lắm. Nay đứa nhỏ bị tiêu chảy, tôi đưa con đến khám để xin thuốc”.

Anh Đinh Văn Cư, Trưởng thôn Tà Lang nói: “Từ ngày có trạm xá quân dân y kết hợp, bà con trong thôn được giúp đỡ rất nhiều, giảm được chi phí đi lại khám chữa bệnh. Các y, bác sĩ nhiệt tình, tận tụy, hết lòng chăm sóc bà con, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn cách phòng bệnh, đặc biệt là những bệnh diễn biến theo mùa, nên ai cũng chủ động đề phòng, sức khỏe được nâng cao, cuộc sống dần ổn định”.

Y sĩ Trịnh Trung cho biết, bệnh xá khám chữa bệnh miễn phí cho bà con dân tộc có thẻ bảo hiểm y tế và cấp phát thuốc dựa vào nguồn thuốc bảo hiểm. Bởi vậy, kinh phí để sửa chữa, mua mới trang thiết bị, cơ sở vật chất cho trạm rất hạn chế. Các y, bác sĩ mong muốn trạm xá được trang bị đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm cơ sở vật chất để phục vụ bà con đồng bào tốt hơn.

Bài và ảnh: THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.