50 năm trước, tại hội nghị quốc tế đầu tiên về quyền con người, thế giới đã thừa nhận kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là một quyền cơ bản của con người. Từ đó tới nay, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Gần 700 triệu phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên tại các nước đang phát triển đang được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đây được coi là phương tiện tốt nhất giúp một cá nhân thực hiện quyền của mình và có thể chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới cuộc sống của chính mình.
Khi phụ nữ chủ động hơn về tài chính, con cái họ sẽ có cơ hội học hành tốt hơn và những lợi ích như vậy sẽ tiếp tục được duy trì cho các thế hệ tương lai.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Lê Cảnh Nhạc trao bằng khen cho các đơn vị hoàn thành xuất sắc công tác dân số tại thành phố Đà Nẵng. |
Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được các dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại. Chính vì vậy, năm nay, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững” cho Ngày Dân số thế giới 11-7.
Khi phụ nữ tiếp cận được KHHGĐ tự nguyện, họ sẽ có cơ hội giãn khoảng cách giữa các lần sinh và điều này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bà mẹ và con cái họ. Thực hiện KHHGĐ góp phần giảm nguy cơ tử vong và khuyết tật liên quan tới mang thai hoặc sinh con quá sớm hoặc quá muộn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân thoát khỏi đói nghèo.
Các biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai và khi sinh nở là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái (lứa tuổi từ 15-19) tại các nước đang phát triển. Chính vì thế, tiếp cận được các thông tin và phương tiện tránh thai có thể góp phần bảo vệ cuộc sống của thanh niên và vị thành niên.
Khi thanh niên và vị thành niên tiếp cận được nhiều thông tin, họ sẽ có nhiều cơ hội đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn và có thể mang lại cho chính mình tương lai tốt đẹp. Khi phụ nữ mang thai mạnh khỏe và mỗi lần sinh nở được an toàn, thì nguy cơ tử vong mẹ giảm và sức khỏe của bản thân phụ nữ được cải thiện.
Trẻ sinh ra cũng khỏe mạnh hơn và sức khỏe trong những năm tháng đầu đời tốt hơn. Sức khỏe được cải thiện sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế như: mức đầu tư vào giáo dục tăng lên, năng suất lao động cao hơn, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động tốt hơn và mức thu nhập, tiết kiệm, đầu tư và tích lũy tài sản tăng lên.
Các biện pháp tránh thai giúp trẻ em gái không mang thai ở lứa tuổi vị thành niên. Nhờ đó, các em có nhiều cơ hội được tiếp tục học tập, thu thập nhiều kỹ năng sống. Quyền thực hiện KHHGĐ sẽ là cơ sở để người dân có thể thực hiện các quyền khác như: quyền chăm sóc sức khỏe, quyền tham gia học tập, đồng thời cho phép người dân có cuộc sống tốt hơn.
Tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2018, đã có 42.608 phụ nữ trên địa bàn thành phố thực hiện 6 biện pháp tránh thai hiện đại. Con số trên đã phản ánh thực trạng Đà Nẵng thực hiện rất tốt công tác KHHGĐ và luôn được đánh giá là đơn vị có tỷ lệ sinh đạt và giảm trong những năm qua.
Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7, Chi cục Dân số-KHHGĐ thành phố đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm như: hội thi “Công tác dân số trong tình hình mới”, chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện truyền tải các thông điệp về Ngày Dân số thế giới đến tận người dân bằng các hình thức phong phú, đa dạng; tổ chức tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm nhỏ, tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tại các địa phương. Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác dân số gắn liền với KHHGĐ, để người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
Bài và ảnh: MAI HOA