Thời gian qua, Đà Nẵng đẩy mạnh tuyên truyền để người nhiễm HIV/AIDS thấy lợi ích và tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bởi vậy đã có hơn 98% người nhiễm HIV sử dụng thẻ này. Tuy nhiên, vẫn còn một số người nhiễm HIV là người ngoại tỉnh chưa có thẻ BHYT.
Tư vấn cho người nhiễm HIV về sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: P. Minh |
Ra Đà Nẵng đã gần 2 năm, nhưng chị T. (35 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa mua thẻ BHYT. Chồng chị T. mất năm 2017 vì căn bệnh AIDS. Sau lần bị tai nạn phải vào bệnh viện làm các xét nghiệm, chị T. mới biết mình nhiễm HIV từ chồng. Rồi chị quáng quàng đưa con gái 5 tuổi đi xét nghiệm máu và thật may khi bé không bị nhiễm HIV.
Chị T. chia sẻ, con gái chính là động lực để chị tiếp tục sống. Khi chồng qua đời, để tránh sự kỳ thị của mọi người xung quanh, chị quyết định rời quê ra Đà Nẵng xin việc làm nuôi con. Hiện chị làm công nhân cho một xí nghiệp may ở quận Liên Chiểu với thu nhập tạm đủ trang trải chi phí của hai mẹ con.
Chị T. tâm sự: “Tôi đang giấu việc mình bị nhiễm HIV. Nếu chủ cơ sở biết tôi bị căn bệnh này thì tôi có nguy cơ mất việc và con gái sẽ không được học ở nhóm trẻ nữa”.
Chung tâm trạng như chị T., anh N. (38 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng tìm việc đã 2 năm nay và đang làm thuê cho một quán ăn trên đường Trần Cao Vân. “Nếu chủ quán biết tôi nhiễm HIV, chắc tôi sẽ không được làm ở đây nữa, vậy lấy tiền đâu sinh sống”, anh N. trải lòng.
Cũng theo anh N., mặc dù biết tầm quan trọng thẻ BHYT mang lại nhưng do lâu nay anh và nhiều người đồng cảnh ngộ vẫn chủ quan rằng việc điều trị bằng thuốc của các tổ chức quốc tế sẽ miễn phí mãi mãi; đồng thời hiểu sai rằng BHYT không chi trả đối với việc điều trị HIV/AIDS nên không cần thiết mua BHYT.
Theo thông tin từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, sau 4 năm triển khai BHYT trong điều trị HIV/AIDS, một số người nhiễm HIV đã thấy lợi ích và tầm quan trọng của thẻ BHYT nên tham gia nhiều hơn và sử dụng thẻ này khi khám, điều trị bệnh.
Theo đó, đã có 458/465 người nhiễm HIV (chiếm 98,49% tổng số người nhiễm HIV) đang điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) tại Phòng khám điều trị ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng sử dụng thẻ BHYT. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số trường hợp người nhiễm HIV ngoại tỉnh chưa sử dụng thẻ BHYT.
Theo các bác sĩ ở Phòng khám điều trị ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, do tâm lý chung của người nhiễm HIV/AIDS là sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, không muốn danh tính bị lộ dẫn đến mất việc làm nên ngại mua thẻ BHYT.
Ngoài ra, từ trước đến nay, thuốc ARV và các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm liên quan đến chẩn đoán và điều trị đều do các dự án, tổ chức nước ngoài chi trả. Tuy nhiên, sang năm 2019, người nhiễm HIV chỉ được điều trị HIV/AIDS qua quỹ BHYT, và như thế, người bệnh phải mua thẻ BHYT nếu không muốn gánh chịu khoản chi phí khá lớn điều trị bệnh.
Tại Đà Nẵng, cùng với chủ trương hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV của lãnh đạo thành phố, Sở Y tế cũng đã ban hành quyết định về quy trình chuyển tuyến, chuyển tiếp trong điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc hỗ trợ sử dụng thẻ BHYT trong điều trị HIV của các đơn vị y tế, sự hỗ trợ của các cán bộ chuyên trách HIV/AIDS tại các quận, huyện trong việc chuyển tuyến điều trị BHYT nhằm giúp người bệnh được giữ bí mật danh tính và khám, chữa bệnh thuận tiện hơn.
Tuy vậy, một khó khăn khác là hiện nay việc khám cho người nhiễm HIV đều thực hiện tại Phòng khám điều trị ngoại trú người lớn của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, trong khi ở đây người bị nhiễm HIV chưa thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo quy định của BHXH.
Mong muốn của các bác sĩ là phòng khám này được đưa về Bệnh viện Đà Nẵng để người bệnh thuận tiện hơn trong khám, chữa bệnh và được hưởng đủ quyền lợi của mình khi đóng BHYT.
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết, nếu người nhiễm HIV có thẻ BHYT ở các địa phương khác thì vẫn có thể sử dụng để khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện tại Đà Nẵng.
“Người nhiễm HIV có nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác, phải điều trị bằng ARV liên tục và suốt đời; bởi vậy, BHYT giống như một chiếc “phao cứu sinh” giúp người nhiễm giảm chi phí khi điều trị bệnh. Chi phí mua BHYT tự nguyện chỉ khoảng 700.000 đồng/năm/người nhưng sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi khám chữa bệnh”, ông Long nói.
KIM NGÂN