Nỗ lực vì một cuộc sống tươi đẹp

.

Qua hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) đã có những hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.

Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS luôn nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. TRONG ẢNH: Bác sĩ của Trung tâm tận tình tư vấn, xét nghiệm cho bệnh nhân.
Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS luôn nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. TRONG ẢNH: Bác sĩ của Trung tâm tận tình tư vấn, xét nghiệm cho bệnh nhân.

Theo số liệu do Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố cung cấp, tính đến cuối tháng 12-2017, trên địa bàn thành phố đã phát hiện 2.226 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, số người chuyển sang AIDS là 888 người và có 475 người tử vong.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Trung tâm đã chủ động tham mưu các văn bản chỉ đạo triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của thành phố. Trung tâm phối hợp với các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện 47 buổi truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho hơn 5.246 đối tượng; tổ chức văn nghệ truyền thông lưu động tại các trường THPT, cao đẳng, đại học, Trường Giáo dưỡng số 3 và các khu dân cư.

Hiện nay, các phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố đang quản lý 433 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 432 bệnh nhân được điều trị ARV (417 người lớn và 15 trẻ em). Khi đến phòng khám, bệnh nhân được các y, bác sĩ tư vấn, khám, xét nghiệm đánh giá toàn bộ tình trạng sức khỏe và có hướng điều trị.

Các y, bác sĩ tại các phòng khám ngoại trú luôn sát cánh với bệnh nhân, giúp họ giữ vững niềm tin, chiến đấu với bệnh tật, để bệnh nhân có sức khỏe tốt, phòng tránh nhiễm trùng cơ hội. Thấu hiểu sự mặc cảm của họ, các bác sĩ luôn quan tâm dặn dò bệnh nhân tái khám đúng thời gian, tuân thủ tốt uống thuốc tại nhà.

Anh T.D, trú quận Thanh Khê chia sẻ, trong một lần đi khám sức khỏe, qua xét nghiệm, anh được các bác sĩ kết luận nhiễm HIV. Nghe tin như sét ngang tai, anh T.D mất hết niềm tin, hy vọng vào cuộc sống. Nhưng khi được các y, bác sĩ tại Trung tâm tư vấn, tâm sự, chia sẻ, chăm sóc tận tình, chu đáo, anh đã tìm lại được mục tiêu cuộc sống, hợp tác với các bác sĩ bệnh viện trong điều trị.

Sau 3 năm điều trị, sức khỏe anh T.D dần ổn định và chuyển biến rất tốt. Các y, bác sĩ của Trung tâm cũng tìm tòi, nghiên cứu nhằm rút kinh nghiệm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Hằng năm, các phòng khám ngoại trú phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thực hiện xét nghiệm tải lượng vi-rút cho bệnh nhân HIV để đánh giá hiệu quả điều trị. Theo bác sĩ Lê Thành Chung, hầu hết bệnh nhân HIV đều có kết quả điều trị tốt, sức khỏe được cải thiện, tìm được niềm tin, lạc quan trong cuộc sống.

Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về BHYT cho người nhiễm HIV về lợi ích khi tham gia BHYT. Trung tâm tham mưu Sở Y tế thành phố ban hành Quyết định số 641/QĐ-SYT về ban hành hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS và quy trình chuyển tuyến, chuyển tiếp giữa các dịch vụ trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện thuận lợi tham gia điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2017, Trung tâm hỗ trợ 102 người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố và nhân viên tiếp cận cộng đồng mua BHYT với số tiền gần 70 triệu đồng. Nhờ đó, 100% người nhiễm HIV/AIDS là người Đà Nẵng đang điều trị bằng ARV đã có thẻ BHYT.

Bác sĩ Lê Thành Chung cho biết, thời gian tới, Trung tâm tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, đảm bảo 100% người nhiễm HIV được quản lý trên địa bàn thành phố có thẻ BHYT; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone...

Đồng thời, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các trường học trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong học sinh, sinh viên; giữ vững khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,15% và không tăng sau năm 2020; giảm số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS.

Bài và ảnh: HOÀNG THIÊN

;
.
.
.
.
.
.