Sau gần 1 tháng kể từ khi Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30-5-2018 (sau đây gọi tắt là Thông tư 15) của Bộ Y tế ban hành có hiệu lực, quy định mỗi bàn khám không tiếp nhận quá 65 bệnh nhân/ngày, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã chủ động điều chỉnh phương pháp, cách tổ chức tiếp nhận và khám bệnh.
Sự thay đổi này giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng thời gian tương tác với nhân viên y tế và bảo đảm quyền lợi của người bệnh khi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Tăng bàn khám để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và giảm áp lực cho nhân viên y tế. |
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện C Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 1.000-1.200 bệnh nhân, các bàn khám phải hoạt động hết công suất. Từ ngày 15-7, khi Thông tư 15 của Bộ Y tế có hiệu lực, trong đó quy định nếu mỗi bàn khám vượt quá 65 bệnh/ngày thì chỉ được BHYT chi trả 50% chi phí, đơn vị này đã chủ động tăng thêm 6 bàn khám bệnh với đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng tại mỗi bàn.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, ngoài việc tăng bàn khám ở khu khám bệnh chung, bệnh viện còn đặt thêm bàn khám ở một số chuyên khoa như: Tim mạch (thêm 3 bàn), Nội tiết (2 bàn). Sự điều tiết này giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và nhân viên y tế cũng được giảm áp lực làm việc nên có thời gian tương tác, tư vấn lâu hơn cho người bệnh.
Tương tự, Bệnh viện Đà Nẵng hiện tăng thêm 8 bàn khám nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 15. Bác sĩ Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận từ 1.600-2.000 bệnh nhân trong và ngoài thành phố đến khám. Trong đó, Phòng Khám nội có nhiều bệnh nhân khám nhất, dao động từ 500-700 bệnh nhân/ngày.
“Chỉ riêng tại khu vực khám Nội 1 (Tim mạch), lúc cao điểm chúng tôi tiếp nhận gần 150 bệnh nhân/ngày, khu vực Nội 5 (Cơ thần kinh xương khớp) tiếp nhận gần 120 bệnh nhân/ngày. Sau gần một tháng điều chỉnh, số lượng bệnh nhân tại mỗi bàn khám ở khu vực này đã giảm, dao động từ 50-60 bệnh nhân/ngày, trở về ngưỡng quy định của Bộ Y tế”, bác sĩ Hà cho biết.
Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng tái khám căn bệnh suy giãn tĩnh mạch, bà Lê Thị Hòa (54 tuổi, trú huyện Đức Phổ) không giấu niềm vui khi tính từ lúc lấy số thứ tự cho đến khi bà nhận kết quả khám chỉ mất 1 giờ đồng hồ.
“Mấy hôm nay tôi cứ lo lắng đông bệnh nhân, rồi chờ lâu có khi không kịp bắt xe về. Hơn nữa, nghe nói quy định mới sẽ cắt giảm một nửa tiền thanh toán bảo hiểm nên tôi phải tranh thủ đi thật sớm, khám sớm, nhưng ra đây thì thấy không đông và chờ lâu như mình nghĩ”, bà Hòa phấn khởi nói.
Được biết, để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng đã bố trí một phó giám đốc trực tiếp làm nhiệm vụ điều tiết, phối hợp giữa các chuyên khoa trong việc tiếp nhận và linh động hỗ trợ lẫn nhau. Nếu trước đây, một người bệnh đến khám phải trải qua quy trình 11 bước từ lấy phiếu, đo huyết áp, xét nghiệm, nộp tiền... thì nay giảm còn 6 hoặc 7 bước.
Tăng bàn khám để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và giảm áp lực cho nhân viên y tế. TRONG ẢNH: Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện C Đà Nẵng. |
Gần 1 tháng qua, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện cũng đã có sự điều chỉnh, trong đó tập trung tăng cường bàn khám, bố trí bác sĩ, điều dưỡng tiếp đón, tư vấn cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Trà cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận thêm 17 bác sĩ và bố trí gần 10 bàn khám bệnh.
“Cái lợi rõ nhất khi tăng số lượng bàn khám và nhân viên y tế là giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, giải tỏa tâm lý lo lắng của người bệnh. Các nhân viên y tế cũng có thêm thời gian để tư vấn, tiếp xúc bệnh nhân. Điều này rất quan trọng vì giúp bệnh viện nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu của người bệnh, nhất là trong tình hình các cơ sở y tế đều tiến tới tự chủ tài chính như hiện nay”, bác sĩ Cúc cho biết.
Chờ văn bản hướng dẫn Điểm nổi bật của Thông tư 15 của Bộ Y tế là quy định giá khám bệnh giảm 15,2%, giá ngày giường điều trị giảm từ 1,5-11,3%, có nhiều dịch vụ kỹ thuật thay đổi giá theo hướng giảm. Đây là sự điều chỉnh theo hướng có lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bệnh viện, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng một số dịch vụ kỹ thuật. Điều này khiến cơ sở khám, chữa bệnh lúng túng, cơ quan bảo hiểm xã hội không có cơ sở thanh toán nên người bệnh vẫn phải chờ. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG