Khám sản, phụ khoa định kỳ giúp phát hiện nhiều bệnh nguy hiểm như các bệnh lây qua đường tình dục, u nang buồng trứng, u xơ tử cung hoặc ung thư giai đoạn đầu... Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chị em còn khá lơ là việc khám phụ khoa định kỳ, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Khám sản, phụ khoa định kỳ sẽ giúp phụ nữ có thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, nâng cao sức khỏe sinh sản. Trong ảnh: Khám phụ khoa tại Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện Đà Nẵng. |
Lấy chồng đã 2 năm nhưng chưa có con, chị Lê Thị Hồng G. (32 tuổi, ở quận Hải Châu) cứ nghĩ chờ “trời cho”. Tình cờ, chị cùng người bạn đi khám sức khỏe nên biết mình bị viêm âm đạo, ảnh hưởng đến việc sinh nở. Sau thời gian điều trị, bây giờ chị G. đã khỏi bệnh và có thai 3 tháng. “Vì không thấy đau yếu trong người, chỉ hơi ngứa ở vùng kín; hơn nữa công việc khá bận rộn nên mình chủ quan không đi khám sớm”, chị G. chia sẻ.
Là công nhân ở KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chị M. cho biết những tháng gần đây cảm thấy vùng kín khó chịu, có lúc sưng nên chị mua dung dịch vệ sinh phụ nữ về sử dụng. Tuy nhiên, việc sút cân liên tục khiến chị phải đi khám sức khỏe tổng quát và phát hiện bị tổn thương ở cổ tử cung, phải điều trị nếu không sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Nhiều năm nay, tại các địa phương, chiến dịch truyền thông dân số lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản triển khai đều đặn. Qua khám sàng lọc đã phát hiện nhiều trường hợp viêm nhiễm đường sinh sản. Những bệnh lý phụ khoa thường gặp là viêm âm hộ, âm đạo, viêm cổ tử cung, các tổn thương lành tính ở cổ tử cung (lộ tuyến, polyp cổ tử cung...), các bệnh lây qua đường tình dục (sùi mào gà, loét sinh dục...), các khối u tử cung và buồng trứng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh lý phụ khoa đều kín, ít rầm rộ, đôi khi không có triệu chứng nên dễ khiến phụ nữ chủ quan. Thêm vào đó là tâm lý e ngại thao tác khám nên chị em ít đi khám phụ khoa định kỳ.
Bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện 14 buổi nói chuyện chuyên đề về dân số-sức khỏe sinh sản, lồng ghép thi tìm hiểu về kiến thức dân số-KHHGĐ cho người 15-24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định ở cộng đồng tại các phường vùng biển, ven biển với 490 người tham gia. Ngoài ra, đơn vị còn phân phối cho quận, huyện hơn 37.440 chiếc bao cao su; hơn 1.600 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ ...
Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết: đã có nhiều bằng chứng y học khẳng định HPV (Human Papilloma Virus) là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Có khoảng 15-20% trường hợp nhiễm HPV kéo dài gây biến đổi tế bào ở cổ tử cung từ mức độ loạn sản cho đến ung thư cổ tử cung. Giai đoạn tiềm ẩn này thường rất dài (15-20 năm), thường không có hoặc có những triệu chứng thông thường như khí hư âm đạo, chỉ phát hiện sớm nhờ khám sàng lọc định kỳ.
Điều cần nhớ là phát hiện sớm những biến đổi tế bào cổ tử cung ở giai đoạn tiền ung thư thì việc điều trị rất đơn giản, ít tốn kém và diễn tiến ung thư gần như không xảy ra. “Khi bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị không còn hiệu quả. Do vậy, chị em cần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện hành vi tình dục an toàn và lành mạnh (bao gồm sống chung thủy, tránh lây các bệnh qua đường tình dục, tránh có thai ngoài ý muốn) kết hợp thực hiện vệ sinh sinh dục, vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh khi giao hợp đúng cách, cần quan tâm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; tầm soát ung thư cổ tử cung hằng năm để kịp thời phát hiện những trường hợp viêm nhiễm, tầm soát ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm và có biện pháp can thiệp, điều trị hiệu quả”, bác sĩ Thảo nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN