Dịch sởi có nguy cơ lan rộng tại nhiều nước trên thế giới

.

Ngày 8-2, giới chức y tế Macedonia đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi ở nước này.

Nhân viên y tế chuẩn bị vắcxin tiêm phòng sởi ở trạm y tế Banda Aceh, tỉnh Aceh (Indonesia) ngày 19/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuẩn bị vắcxin tiêm phòng sởi ở trạm y tế Banda Aceh, tỉnh Aceh (Indonesia) ngày 19-9-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Y tế Venko Filipce, bệnh nhân là một trẻ 6 tháng tuổi, được đưa vào viện để điều trị các biến chứng phổi. Bệnh nhi này là đối tượng chưa tiêm phòng bệnh sởi.

Ngoài ra, hiện còn 2 em nhỏ khác cũng đang được điều trị các biến chứng phổi tương tự, tuy nhiên mức độ bệnh không đe dọa tính mạng.

Trước đó, Bộ Y tế Macedonia ngày 2-1 đã ban bố cảnh báo bùng phát dịch sởi ở thủ đô Skopje. Giới chức y tế nước này nhấn mạnh việc tiêm phòng vaccine cần phải được tiếp tục triển khai sâu rộng, nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho người dân sau khi công tác phòng ngừa dịch bệnh bằng tiêm phòng đã bị lơ là đáng kể kể từ năm 2014.

Cũng trong ngày 8-2, giới chức y tế Pháp cho biết số ca mắc bệnh sởi đã tăng lên ở khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết Val-Thorens, một trong những đỉnh núi cao nhất của dãy Alps, đồng thời là một địa điểm du lịch nổi tiếng của nước Pháp.

Theo giới chức địa phương, tại đây đã ghi nhận thêm 18 trường hợp mắc bệnh sởi mới, trong đó đa số bệnh nhân là thanh niên đang làm việc tại khu nghỉ dưỡng, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 30 trường hợp kể từ ngày 4-2 vừa qua.

Các trường hợp mắc bệnh sởi đã tăng nhanh ở Pháp và ở nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới trong những năm gần đây. Tại khu vực Auvergne-Rhone-Alpes của Pháp, nếu như số trường hợp mắc bệnh sởi trong năm 2016 chỉ là 8 người, thì năm 2017 con số này đã là 45 người và năm 2018 là 84 trường hợp.

Tình trạng này được xem là một hệ quả của việc ngày càng có ít trẻ em được tiêm phòng dịch bệnh. Trong báo cáo công bố ngày 7-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết "Lục địa Già" đã ghi nhận số ca mắc bệnh sởi kỷ lục trong năm 2018.

Theo WHO, trong năm qua, khoảng 82.600 người tại 47 quốc gia châu Âu được thống kê (dân số gần 900 triệu người) đã mắc bệnh sởi - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 72 trường hợp đã tử vong.

Các chuyên gia cho rằng để phòng ngừa dịch bệnh, cần đảm bảo việc tiêm phòng được thực hiện đối với 95% cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong số 47 nước được thống kê, vẫn còn tới 34 quốc gia có mức bao phủ vaccine sởi dưới 95% và đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang cân nhắc khả năng ban hành luật để việc tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị, rubella đối với trẻ em là một việc làm bắt buộc, thay vì hiện nay các bậc phụ huynh có quyền lựa chọn tiêm phòng cho con. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh dịch sởi đang hoành hành ở Mỹ, với ít nhất 52 ca nhiễm bệnh ở bang Washington và 4 ca ở bang Oregon.

Trong khi đó, ở khu vực châu Á, Quỹ từ thiện toàn cầu Save the Children ngày 7-2 cho biết đã ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm bệnh sởi ở khu vực giàu dầu mỏ đang tranh chấp Abyei - nằm giữa biên giới giữa Sudan và Nam Sudan, kể từ khi dịch bệnh bùng phát hôm 25-1 vừa qua. Quỹ trên đã tiến hành tiêm vaccine phòng sởi cho 13.500 trẻ dưới 5 tuổi và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ trong độ tuổi 5-15.

Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh./.

Theo Vietnamplus

;
;
.
.
.
.
.