Nhiều bậc phụ huynh thường cho con em mình tiếp xúc với smartphone và máy tính bảng từ rất sớm và trong một thời gian kéo dài, tuy nhiên một nghiên cứu mới cho thấy nếu để trẻ xem smartphone hoặc máy tính bảng nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Các nhà khoa học của trường đại học Alberta (Canada) đã nghiên cứu hơn 2.400 gia đình có con nhỏ và phát hiện ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc sớm và có thời gian sử dụng smartphone hay máy tính bảng quá nhiều thường có nhiều vấn đề về hành vi.
Các nhà khoa học cho biết những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo sử dụng smartphone, máy tính bảng hay các thiết bị điện tử khác nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao gấp 7 lần và làm giảm khả năng chú ý của những đứa trẻ này gấp 5 lần so với những đứa trẻ khác.
Trẻ em sử dụng smartphone hay máy tính bảng nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (Ảnh minh họa) |
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc sử dụng các thiết bị di động quá nhiều cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ hoặc thậm chí làm trẻ thiếu ngủ, trong khi đó thói quen ngủ đều đặn, ngủ và thức đúng giờ cũng là một phần quan trọng của sự tăng trưởng và phát triển hành vi ở trẻ nhỏ.
Sử dụng các thiết bị di động từ quá sớm và quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ em nên các nhà khoa học cảnh báo các bậc phụ huynh nên giảm thời gian trẻ sử dụng các thiết bị này xuống và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất lành mạnh.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng không khuyên các bậc phụ huynh cần phải cấm hoàn toàn việc con cái sử dụng smartphone hay máy tính bảng, mà thay vào đó khuyên phụ huynh nên để con cái sử dụng các thiết bị này một cách hợp lý.
Các nhà khoa học đưa ra lời khuyên với những trẻ em từ 2 đến 5 tuổi chỉ nên cho phép sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng nửa giờ mỗi ngày hoặc ít hơn. Lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi mà các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con cái mình sử dụng các thiết bị điện tử một cách phù hợp, thay vì để chúng tự ý sử dụng các thiết bị này trong suốt một thời gian dài.
“Các dữ liệu phân tích của chúng tôi gợi ý rằng 30 phút mỗi ngày là khoảng thời gian tối ưu để trẻ sử dụng các thiết bị di động”, Giáo sư Piush Mandhane thuộc nhóm nghiên cứu trường đại học Alberta cho biết. “Lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi phù hợp để hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị di động một cách mạnh khỏe”.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Alberta đã làm củng cố kết quả nghiên cứu được công bố năm 2018 của Viện nghiên cứu CHEO (Ottawa, Canada), khi kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em ở độ tuổi từ 8 đến 11 sẽ có chức năng não kém hơn 5% so với những đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi nếu chúng sử dụng smartphone và máy tính bảng nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD) là một trong những rối loạn hành vi thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của rối loạn này là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7 và lứa tuổi thường mắc là từ 8 đến 11, trong đó bé trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần bé gái. Khi trưởng thành bệnh có xu hướng giảm, ở tuổi 20 tỉ lệ mắc còn chừng 1% và ở tuổi trung niên là 0,5%.
Theo Dân trí