Trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố liên tục tiếp nhận nhiều chương trình hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và tham gia hợp tác với quốc tế. Điều này giúp đội ngũ nhân viên y tế thành phố tiếp cận được các tinh hoa của y văn thế giới, từ đó ứng dụng hiệu quả trong quá trình khám, chữa bệnh cho người dân. Vai trò, vị thế của y tế Đà Nẵng cũng vì thế ngày một nâng cao.
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp với Bệnh viện Kitano, Trung tâm nghiên cứu TRI (Kobe, Nhật Bản) thực hiện cấy ghép tế bào gốc. Đây là phương pháp mới được đánh giá hiệu quả trong điều trị chấn thương tủy sống ở Việt Nam và trên thế giới. Ảnh: PHAN CHUNG |
Mới đây, khi Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) đi vào hoạt động, người bệnh kỳ vọng đây sẽ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu trong khu vực liên quan đến vấn đề tim mạch.
Nhưng ít ai biết rằng, một trong những mấu chốt để Trung tâm Tim mạch hoạt động hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của người bệnh chính là thông qua sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế. Theo đó, ngay khi trung tâm đi vào hoạt động, tổ chức từ thiện Trái tim vì trái tim (Heart for Heart - Đức) đã chính thức ký kết với Bệnh viện Đà Nẵng chương trình đào tạo 5 năm dành cho Trung tâm Tim mạch.
Những chuyên gia hàng đầu quốc tế về tim mạch sẽ đến trung tâm để truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo, huấn luyện theo phương pháp cầm tay chỉ việc cho đội ngũ y, bác sĩ ở đây. Tham gia hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng từ năm 2005 đến nay, tổ chức từ thiện Trái tim vì trái tim đã tặng Bệnh viện Đà Nẵng nhiều trang thiết bị hiện đại như máy DSA, hệ thống monitoring trung tâm, máy thở, máy siêu âm tim..., hàng trăm lượt y, bác sĩ được đào tạo tại chỗ và đưa đi đào tạo ở nước ngoài.
Kết quả của sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế này là hơn 4.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong khu vực được phẫu thuật, can thiệp tim mạch kịp thời với tổng kinh phí hỗ trợ ước tính khoảng 63 tỷ đồng.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là một trong nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Chỉ tính riêng năm 2018, đơn vị này đã tiếp, làm việc với 47 đoàn khách nước ngoài và triển khai cùng lúc 17 chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Thông qua chương trình hợp tác quốc tế, một số kỹ thuật tiên tiến đã và đang được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng, như: cấy ghép tế bào gốc, kỹ thuật ghép gan, điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư…
“Một số kỹ thuật áp dụng và thực hành thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng được xếp thứ hạng trên thế giới. Đối với trong nước, Bệnh viện Đà Nẵng trở thành đơn vị hàng đầu khu vực miền Trung, thậm chí có một số kỹ thuật chỉ xếp thứ 2 cả nước vì mức độ khó, tiến bộ so với sự phát triển chung của ngành y tế. Điều đó có nghĩa việc hợp tác quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng đưa vị thế của Bệnh viện Đà Nẵng ngày một lên cao, trở thành lựa chọn tin cậy của người bệnh trong khu vực”, bác sĩ Nhân cho biết.
Việc hợp tác quốc tế này cũng diễn ra tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Năm 2018, đơn vị tiếp 20 đoàn khách quốc tế, các tổ chức phi chính phủ của các quốc gia như Nhật, Anh, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Úc… đến thăm, làm việc với mục đích trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các hoạt động, năng lực, nhu cầu trang thiết bị cũng như đào tạo, hướng phát triển của bệnh viện.
Nhiều dự án đang được triển khai tại bệnh viện có sự hỗ trợ của quốc tế, như: chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục trẻ em” (Quỹ phòng chống thương vong châu Á), dự án “Đào tạo chuyên sâu sơ sinh, chăm sóc điều trị sản khoa và nhi tim mạch” (Tổ chức Newborn Viet Nam), chương trình “Hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho y bác sĩ” (Hàn Quốc), dự án “Phẫu thuật sứt môi hở vòm trẻ em” (Tổ chức Smile Train - Hoa Kỳ)…
Ngoài ra, các đoàn sinh viên quốc tế đến từ các trường đại học Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Đức đến thực tập, tham gia tình nguyện đã hỗ trợ bệnh viện áp dụng được nhiều kỹ thuật, phương thức chăm sóc hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành, góp phần cải thiện chăm sóc y tế cho nhân dân. Điều đặc biệt là các chương trình hợp tác quốc tế được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế, không có sự phân biệt quy mô, thứ hạng của các bệnh viện. Có thể kể đến một số dự án hợp tác quốc tế tiêu biểu, như: “Xây dựng chương trình chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nguồn nhân lực cho chăm sóc người cao tuổi” (Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn) do tổ chức JICA, Nhật Bản tài trợ; “Chăm sóc mắt trẻ em” tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, do Quỹ Fred Hollows, Úc hỗ trợ…
Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận viện trợ các trang thiết bị y tế để phục vụ công tác chuyên môn.
“Nhìn chung, các chương trình, dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành, góp phần cải thiện chăm sóc y tế cho nhân dân. Các dự án đều được triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch được phê duyệt. Thông qua các buổi làm việc và trao đổi chuyên môn thường xuyên với các đoàn chuyên gia y tế, mối quan hệ đối tác giữa bên tài trợ và đơn vị thực hiện được củng cố và tăng cường; qua đó, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương và khu vực”, bà Yến cho biết.
PHAN CHUNG