Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ).
Bệnh nhân Bùi Thanh Q. bị sa sút trí tuệ đang được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. |
Cách đây khoảng 3 tháng, bệnh nhân Bùi Thanh Q. (66 tuổi, quê ở Kiến Xương, Thái Bình) bắt đầu có những biểu hiện mất trí nhớ. Gia đình đã đưa ông Q. lên bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, ông Q. được chuyển lên Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia để điều trị. Theo các bác sĩ của Viện, ông Q. bị mất trí nhớ là do bị tai biến mạch máu não.
Vợ của ông Q. chia sẻ, hiện ông Q. vẫn không nhớ được nhiều, con cháu đến thăm nhưng không nhớ và nhận ra ai. “Tôi là vợ của ông ấy nhưng ông không nhớ ra, lúc thì gọi tôi bằng chị, lúc gọi bằng anh”- người nhà ông Q. nói.
Theo thống kê được thực hiện trong năm 2015, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ (chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi). Ước tính, cứ 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc sa sút trí tuệ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, năm 2010, tổng số người trên 65 tuổi toàn cầu ước tính vào khoảng 8% dân số và ở Việt Nam là khoảng 5,73%. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050. Theo đó, các bệnh lý liên quan với tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ.
Người trẻ có mắc sa sút trí tuệ?
Ngoài bệnh Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ cũng có thể khởi phát sớm ở những người trẻ. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh sa sút trí tuệ ngày càng tăng. Trong đó, bệnh nhân dưới 65 tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ đã được coi là khởi phát sớm, thậm chí có những bệnh nhân nhập viện điều trị khi 50 tuổi.
TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị Tâm thần người già, Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia. |
Các chuyên gia cho biết, sa sút trí tuệ gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, người chăm sóc và toàn xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí dành cho sa sút trí tuệ hàng năm trên toàn thế giới ước tính khoảng 800 tỷ USD (tương đương 1% GDP toàn cầu), và sẽ đạt tới 2000 tỷ USD vào năm 2030.
Chưa có cơ sở chăm sóc tốt cho người mắc sa sút trí tuệ
Theo TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị Tâm thần người già, Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, đối với bệnh sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer thì không thể điều trị khỏi. Việc điều trị chỉ để làm giảm triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Theo TS An, ngoài việc chăm sóc, điều trị cho những người mắc sa sút trí tuệ, một lưu ý quan trọng là cần phải đảm bảo an toàn cho người bệnh và cả những người xung quanh. Bà An chia sẻ, nhiều nước trên thế giới có những cơ sở, mô hình, phòng ốc chăm sóc người sa sút trí tuệ khá đặc biệt, rất an toàn cho người bệnh và người nhà của họ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở nào phục vụ, chăm sóc người sa sút trí tuệ tốt.
“Thời gian tới, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia sẽ triển khai các câu lạc bộ dành cho người nhà bệnh nhân sa sút trí tuệ, nhằm chia sẻ, hướng dẫn họ cách chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ một cách tốt nhất”- TS Trần Thị Hà An cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc sa sút trí tuệ cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc và chăm sóc toàn diện không những có thể làm giảm các triệu chứng mà còn làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Theo VOV