Ngành Y tế thành phố vừa có chỉ đạo khẩn đề nghị các đơn vị kiểm soát bệnh tật, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng, chống và điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trái ngược với chu kỳ quen thuộc hằng năm, tỷ lệ SXH trên địa bàn thành phố đang tăng ở mức cao, mặc dù thời tiết nắng nóng, không có mưa. Các chuyên gia y tế lo ngại tâm lý chủ quan của người dân sẽ khiến SXH có khả năng bùng phát thành dịch.
Một ca sốt xuất huyết đang được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Đến sáng 11-7, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp nhận, điều trị 71 trường hợp SXH. Đang được các bác sĩ theo dõi, điều trị, chị Nguyễn Thị H. (trú quận Thanh Khê) chia sẻ, sau khi đau đầu đến mức không chịu được, máu chảy ở mũi thì chị mới nhập viện và kết quả xét nghiệm cho thấy bị SXH.
“Mình đi làm về thì đau đầu, đau ở hốc mắt nhưng nghĩ do nắng nóng quá bị sốc nhiệt nên mua liều thuốc hạ sốt uống. Thuốc ngấm thì đỡ nhưng hết thuốc lại mệt hơn, thậm chí bị choáng. Cũng không nghĩ là bị SXH vì nắng nóng đâu phải là mùa của bệnh này”, chị H. cho biết.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, trong số những bệnh nhân đang điều trị, có đến 70% là người Đà Nẵng. Các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng của SXH, trong đó số ca mắc nặng tăng mạnh. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, có hơn 1.300 bệnh nhân SXH nhập Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
“Chỉ trong tháng 6 năm 2019, chúng tôi đã tiếp nhận gần 200 ca, trong khi con số này ở cùng kỳ năm trước chỉ chiếm khoảng 1/10. Điều đáng lo ngại, tỷ lệ bị SXH nặng vượt ngưỡng 5% số người mắc theo dự báo của ngành Y tế”, bác sĩ Hàm cho biết.
Báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố có trên 3.000 ca mắc SXH, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2018. Một số địa phương liên tục ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao như: quận Cẩm Lệ (265 ca, tăng 143%), quận Hải Châu (615 ca, tăng 241%), huyện Hòa Vang (307 ca, tăng 298%) và quận Thanh Khê (821 ca, tăng 300%).
Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tỷ lệ này cao một phần do cộng dồn từ đầu năm, khi đỉnh dịch của năm cũ chuyển sang. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng như hiện nay mà vẫn liên tục ghi nhận số ca mắc SXH là điều rất bất thường, chưa từng xảy ra trước đây.
“Không chỉ xuất hiện trái mùa, dịch SXH còn bùng phát ở vùng cao, khô hanh chứ không chỉ những khu vực trũng thấp, ẩm ướt như trước. Chỉ ít tháng nữa là bước vào mùa mưa, nếu thực tế này không được nhìn nhận đúng và khắc phục thì diễn biến bệnh SXH sẽ còn phức tạp”, bác sĩ Lãm cho biết.
Trực tiếp khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến dịch SXH tăng cao nhưng không loại trừ tâm lý chủ quan của người bệnh.
“Thời tiết nắng nóng nên người dân hạn chế mắc màn khi ngủ, trong quá trình sinh hoạt cũng mặc áo quần ngắn tay, đàn ông, thanh niên cởi trần cho mát. Trong khi vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi lại sớm thích nghi với môi trường, khí hậu mới nên khả năng truyền bệnh rất cao. Thêm vào đó, một số bệnh nhân vẫn còn nhầm lẫn triệu chứng SXH với bệnh do thời tiết nắng nóng nên chủ quan và sai trong cách nhận định và điều trị ban đầu. Chính điều này khiến số ca mắc SXH tăng lên và tỷ lệ mắc SXH nặng cũng cao hơn trước”, bác sĩ Hàm cho biết.
Để góp phần hạn chế, giảm tỷ lệ mắc SXH, từ tháng 7, Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức các lớp tập huấn phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có SXH cho bệnh nhân và người nhà. Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, các hoạt động kiểm tra, giám sát dịch được triển khai thường xuyên tại các địa phương. Hiện Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị kiểm soát bệnh tật tại các quận, huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, kiểm soát bệnh SXH, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các địa phương.
“Điều cốt lõi là cần sự chung tay của cộng đồng, nghĩa là phòng chống dịch bệnh không theo một chiều từ cơ quan chức năng. Đặc biệt là người dân phải hết sức thận trọng, không chủ quan, thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt như xử lý các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, phát quang bụi rậm. Khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng... phải đến cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm. Nên tránh trường hợp tự mua thuốc về uống, bởi như vậy sẽ khiến bệnh trở nặng và việc điều trị phức tạp hơn”, bác sĩ Lãm cho biết.
Tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 Tính từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80.000 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2018. Gần đây, trung bình cả nước ghi nhận 5.000 ca mắc/tuần; 6 trường hợp mắc SXH tử vong trong 6 tháng đầu năm. Hiện SXH đã lan đến 60/63 tỉnh, thành, các địa phương có số mắc cao tập trung các tỉnh miền Trung, miền Nam. Đáng lưu ý, những năm trước chu kỳ dịch với số mắc tăng cao sau khoảng 4-5 năm, nhưng diễn biến này có xu hướng gần hơn, khoảng 2-3 năm. Trước tình hình trên, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động diệt bọ gậy để giảm muỗi truyền bệnh; lưu ý phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ SXH để đến cơ sở y tế, tránh các biến chứng nặng có thể gây tử vong. (Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG