Thời tiết liên tục mưa, nắng bất thường là thời điểm thuận lợi để một số loại bệnh truyền nhiễm xuất hiện và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngành y tế thành phố đang phối hợp với các địa phương, ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; khuyến cáo người dân nâng cao các biện pháp bảo vệ bản thân, nhất là trẻ em.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm la liệt tại hành lang Bệnh viện Đà Nẵng. |
Dịch sốt xuất huyết vẫn phức tạp
Đến sáng 13-11, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp nhận, thu dung điều trị 300 bệnh nhân, trong đó có đến 90% bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH).
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới cho biết, số bệnh nhân mắc SXH liên tục tăng trong thời gian gần đây, buộc khoa phải đề xuất với lãnh đạo bệnh viện triển khai một số biện pháp để đáp ứng nhu cầu điều trị.
“Khoa chỉ có gần 140 giường thực kê nhưng hiện nay đã lên đến 180 giường và phần lớn phải nằm ghép đôi. Một số bệnh nhân bị sốt siêu vi hay viêm dạ dày ruột cấp được chuyển đến khoa khác để ưu tiên điều trị bệnh nhân mắc SXH”, bác sĩ Hàm cho biết.
Hiện khu vực hành lang từ tầng 2 đến tầng 4 cũng được bố trí thêm các giường bệnh để phục vụ bệnh nhân nhập viện ngày một tăng. Khoa Y học nhiệt đới được lãnh đạo bệnh viện bố trí, tăng cường thêm 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng từ các khoa khác để đáp ứng nhu cầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, dịch SXH vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có hơn 6.600 ca mắc SXH, cao gấp 1,98 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, đã có hơn 700 ca mắc SXH, hơn 80 ổ dịch liên tục được phát hiện tại các khu dân cư. Một số địa phương từ đầu năm đến nay ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao như Thanh Khê (1.433 ca), Hải Châu (1.294 ca), Liên Chiểu (979 ca), Sơn Trà (889 ca)…
Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt SXH là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên từ đầu năm đến nay, hoàn toàn không phụ thuộc vào số ca mắc nhiều hay ít.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của công tác phòng, chống dịch lại phụ thuộc rất nhiều vào các địa phương và bản thân từng cá nhân, hộ gia đình trong việc nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cũng như hợp tác với lực lượng chức năng.
“Công tác giám sát dịch ở những địa phương có ca mắc SXH được thực hiện thường xuyên, những ổ dịch mới xuất hiện lập tức được khoanh vùng và xử lý dứt điểm. Đội giám sát được tăng cường ở một số phường có nguy cơ bùng phát SXH; qua đó, đánh giá tình hình cũng như việc xử lý dịch theo đúng quy trình do ngành y tế ban hành hay chưa”, bác sĩ Lãm cho biết thêm.
Huy động cả hệ thống vào cuộc
Không chỉ SXH, nhiều dịch bệnh đang cùng lúc có nguy cơ bùng phát, uy hiếp sức khỏe, tính mạng người dân. Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang cùng lúc tiếp nhận, điều trị cùng lúc các bệnh nhi bị bạch hầu, SXH, sởi và tay-chân-miệng (TCM).
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, hiện có 44 trẻ đang điều trị TCM, gần 40 trẻ bị SXH và sởi. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đơn vị này tiếp nhận, điều trị 12 ca mắc bệnh bạch hầu đến từ các địa phương Quảng Nam và Quảng Ngãi.
“Số bệnh nhi nhập viện tăng với nhiều chủng bệnh cùng lúc nên chúng tôi đã đề xuất tăng cường nhân lực để điều trị, kê thêm giường bệnh, xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Khu vực bệnh có nguy cơ truyền nhiễm được cách ly hoàn toàn để bảo đảm không lây nhiễm chéo. Các nhân viên y tế được hỗ trợ và thực hiện các phương pháp phòng, chống lây nhiễm trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Ngữ cho biết thêm.
Theo thống kê, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố ghi nhận 140 ca mắc sởi, hơn 1.750 ca mắc TCM. Các nhân viên y tế lo ngại một số bệnh có thể tăng cao và bùng phát thành dịch, trong đó có bệnh sởi, sẽ rất nguy hiểm bởi bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi khả năng biến chứng lại rất cao.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vừa qua, UBND thành phố có công văn gửi các địa phương, sở, ngành, cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng khống chế, đẩy lùi dịch SXH đang có chiều hướng gia tăng. UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch SXH theo quy trình của Bộ Y tế; phối hợp các địa phương, đơn vị chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, nơi công cộng có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao, hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác diệt loăng quăng, bọ gậy và truyền thông phòng, chống dịch bệnh…
Nhiều đơn vị, địa phương cũng đã đồng loạt triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Phòng Y tế quận Hải Châu đã in ấn, phát gần 8.000 tờ rơi SXH và TCM cho 13 phường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong dân cư; tổ chức các lớp tập huấn phòng chống SXH cho các cộng tác viên Y tế-Dân số.
“Hiện quận đang chỉ đạo 2 chiến dịch ra quân trong tháng này, đồng thời duy trì liên tục các hoạt động phòng, chống dịch SXH đến cuối năm 2019.
Ngoài ra, đề nghị UBND 13 phường tập trung huy động lực lượng từ Mặt trận và các hội, đoàn thể phường, tổ dân phố, Đội xung kích diệt bọ gậy... cùng chia nhóm đi tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ gia đình trên địa bàn phường thực hiện các biện pháp loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH”, bà Phạm Thị Thùy Phương, Phó trưởng Phòng Y tế quận Hải Châu cho biết.
Trong khi đó, tại quận Cẩm Lệ, Phòng Y tế phối hợp với Phòng GD-ĐT triển khai kế hoạch hành động liên ngành về phòng chống TCM trong trường học. Theo bà Đường Thị Lộc, Phó trưởng Phòng GD-ĐT, đơn vị đã lên kế hoạch kiểm tra 172 cơ sở mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn; trong đó tập trung vào công tác phòng, chống TCM, thực hiện vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường xung quanh cơ sở trường học và theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ cũng như các biện pháp cách ly kịp thời...
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thời tiết đang vào mùa mưa, khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh bùng phát, trong khi ý thức của một bộ phận người dân trong việc phòng chống và phối hợp với ngành y tế trong quá trình xử lý hóa chất chưa cao.
“Rất cần sự phối hợp tích cực giữa các đơn vị, địa phương, đặc biệt là người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Một số địa phương đã chỉ đạo quyết liệt song lực lượng ra quân chủ yếu là cán bộ địa phương, hội, đoàn thể, cán bộ y tế chứ chưa huy động được sự tham gia chủ động của người dân nên hiệu quả còn hạn chế”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG