Sốt xuất huyết vẫn khó kiểm soát

.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Liên Chiểu ghi nhận gần 1.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 200 ca. Không chỉ diễn biến phức tạp, thường xuyên xuất hiện những ổ dịch mới, thời tiết mưa ẩm những ngày qua càng khiến dịch bệnh SXH trở nên khó kiểm soát…

Đội xung kích trên địa bàn quận Liên Chiểu thường xuyên ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy.
Đội xung kích trên địa bàn quận Liên Chiểu thường xuyên ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy.

Một, hai tháng trở lại đây, trung bình mỗi tuần, phường Hòa Minh ghi nhận từ 10-20 trường hợp SXH. Chị Hoàng Thị Lan (trú khu vực Trung Nghĩa 1, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho hay, nhiều gia đình có từ 2-3 người mắc bệnh.

Tình hình dịch bệnh khó lường khiến các hộ dân luôn sống trong tâm trạng bất an, dù đã thực hiện đầy đủ việc phun chế phẩm sinh học phòng, chống bệnh SXH cũng như ngủ mùng, diệt lăng quăng, bọ gậy quanh nhà…

Là địa phương có tỷ lệ người mắc SXH cao nhất quận Liên Chiểu nên vừa bước vào mùa mưa, phường Hòa Minh đã vận động hàng trăm hộ dân phối hợp cùng nhân viên Trạm Y tế phường, 8 đội xung kích xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng chứa nước, các ổ bọ gậy trong nhà và xung quanh nhà, bãi đất trống, các nơi công cộng; lật úp tất cả dụng cụ chứa nước không cần thiết như chum, lu, bể nuôi cá không còn sử dụng, xô nước; đổ muối, vôi bột hoặc luyn vào dụng cụ chứa nước (hoặc nơi đọng nước); hoặc có hình thức che, đậy không cho nước đọng trong các dụng cụ có thể chứa nước như phế liệu, lốp ô-tô. Đặc biệt, chú trọng các địa bàn có nhiều khu đất trống, có nhiều kiệt, hẻm, cây cỏ mọc um tùm như khu vực Trung Nghĩa, Hòa Phú, Hòa Mỹ, Phước Lý…

Chỉ trong 10 tháng đầu năm, quận Liên Chiểu có 131 ổ dịch lớn, nhỏ xuất hiện tại tất cả các phường. Ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu cho biết, nguyên nhân khiến bệnh SXH diễn biến phức tạp là do Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, hạ tầng giao thông, hệ thống cống rãnh có nhiều điểm tù đọng khiến muỗi có điều kiện sinh trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó, địa bàn quận Liên Chiểu có những đặc thù về sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Đơn cử, việc sản xuất, nuôi tôm giống ở phường Hòa Hiệp Bắc phát sinh những bể nước tù đọng.

Nhiều hộ dân sống ven sông Cu Đê sử dụng thúng chai đánh bắt, khai thác thủy, hải sản không thường xuyên vệ sinh thúng, trở thành nơi ẩn nấp, sinh sôi của muỗi. Đối với các phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam, áp lực tăng dân số cơ học với trên 50.000 nhân khẩu, có nhiều sinh viên và công nhân lưu trú, hình thành các khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp; ý thức của sinh viên, công nhân chỉ sống tạm nên công tác vệ sinh môi trường tại chỗ không bảo đảm.

Trong khi đó, ở phường Hòa Minh, có khá nhiều cơ sở tập kết chai bao, phế liệu, lốp cao su, nhiều khu đất trống không được dọn dẹp khiến việc dập dịch diễn ra khó khăn, không triệt để.

Tăng cường xử lý các ổ dịch

Thông tin từ Sở Y tế cho biết, quận Liên Chiểu xếp thứ 4 trong các quận, huyện có tỷ lệ người mắc SXH cao (gần 1.000 ca). Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chủ động triển khai một số giải pháp phòng, chống dịch và tích cực xử lý các ổ dịch mới phát sinh, tránh để dịch lây lan và bùng phát trên diện rộng.

Tại quận Liên Chiểu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS tiến hành phun chế phẩm ở khu vực Bến xe Trung tâm và một số chợ lớn, nhỏ trên địa bàn, những nơi có nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, mới đây, Sở Y tế và UBND quận Liên Chiểu đã cam kết về công tác phòng, chống SXH; điều tra, giám sát, xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh; phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên y tế cơ sở, đội xung kích; tổ chức truyền thông trực tiếp lẫn gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt chú ý những khu dân cư đông đúc, chật hẹp, những cơ quan, trường học có nhiều cây xanh, ẩm thấp…

Đồng thời, Sở Y tế cũng cử cán bộ về địa phương tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống SXH cho cộng tác viên y tế và cán bộ Trung tâm Y tế quận, Trạm Y tế phường, tạo thuận lợi cho việc xử lý bệnh tại chỗ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm đối phó với dịch bệnh SXH, từ đầu năm đến nay, UBND quận Liên Chiểu đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo, 1 kế hoạch, 3 kết luận của Văn phòng HĐND và UBND quận, triển khai đến các thành viên và các địa phương có liên quan.

Mặt khác, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS phun chế phẩm trên diện rộng tại 178 tổ dân phố, tiếp tục phun lần hai cho 21 tổ dân phố tại khu vực Phước Lý (phường Hòa Minh); đặc biệt xử lý tình trạng dịch bệnh tại 73 trường và điểm trường; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, không để dịch xâm nhập, lây lan và bùng phát, chủ động đáp ứng các tình huống khẩn cấp.

Theo ông Phan Trình, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Phòng Y tế quận Liên Chiểu sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch nhỏ, giám sát các chỉ số muỗi vec-tơ ở những nơi có nguy cơ xảy ra dịch, nhất là các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam.

Bên cạnh đó, Phòng Y tế quận tiếp tục duy trì mạng lưới cộng tác viên dân số sức khỏe cộng đồng, duy trì hoạt động tổ xung kích tại các phường để tham gia công tác phòng, chống SXH…

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.