Tìm giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

.

Việc các doanh nghiệp trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động ngày càng tăng. BHXH thành phố vừa yêu cầu các phòng nghiệp vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại đơn vị nợ nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như quỹ BHXH, BHYT.

Tính đến hết tháng 10-2019, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố khoảng 275 tỷ đồng, tương ứng 5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó có hơn 1.000 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền trên 116 tỷ đồng. Theo đánh giá, mặc dù so với cùng kỳ năm 2018 giảm 419 đơn vị (giảm 29,3%) và giảm trên 63 tỷ đồng (giảm 35,17%) nhưng so với mức bình quân chung của cả nước và chỉ tiêu được giao về giảm nợ, kết quả trên vẫn chưa đạt yêu cầu, cần tích cực hơn trong công tác đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố, để góp phần thu hồi nợ đọng, xử lý các vi phạm chậm đóng, BHXH thành phố đang thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan, nhất là tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Mới đây, BHXH thành phố đã ký ban hành các quyết định về việc thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại 42 đơn vị.

Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN trước hết là do nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH của đơn vị, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa cao. Cùng với đó, người lao động hiểu biết về các chính sách, pháp luật về BHXH còn chưa đầy đủ, ít đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH. Một số bộ phận người lao động do chưa nhận thức được hết tính ưu việt của chính sách BHXH mà chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng, sợ bị trích mất một phần tiền lương để tham gia BHXH, làm giảm thu nhập của bản thân nên sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để không tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ tháng 9-2019. Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết là quy định về nguyên tắc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động. Trước đây, cần phải có ủy quyền của người lao động tại doanh nghiệp thì Công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN là cơ chế ủy quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, những hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là tội phạm hình sự.

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, tội trốn đóng BHXH, BHTN có thể bị phạt tù đến 7 năm, phạt tiền đến 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Điều 214 và Điều 215 Bộ luật Hình sự cũng quy định hành vi gian lận BHXH, BHTN, BHYT có thể bị phạt tù lên tới 10 năm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.