Những thử nghiệm ban đầu của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy một tuần làm việc 4 ngày mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn sức khỏe.
Làm việc nhiều giờ, ít ngày nghỉ có thể dễ dẫn tới sai sót, năng suất thấp. (Ảnh minh họa) |
Qua những con số thống kê
Viện thăm dò dư luận xã hội Gallup (Mỹ) công bố kết quả tìm hiểu 75.000 nhân viên hồi tháng 6 năm 2018, trong đó 23% cho biết họ cảm nhận sự kiệt sức thường xuyên tại nơi làm việc và 44% là thỉnh thoảng. Trước đó, một nghiên cứu của Kronos Incorporated and Future Workplace thực hiện năm 2017 cũng cho thấy gần một nửa trong số 614 nhà quản lý nguồn nhân lực cho biết kiệt sức đã làm giảm một nửa doanh thu hằng năm.
Trong 60.000 công ty Mỹ tham gia đợt khảo sát của Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực thực hiện hồi tháng 4-2019 thì có 15% cho biết đã hạ thời gian làm việc của người lao động xuống còn 32 giờ/tuần, tức là làm 4 ngày/tuần. Đây là tỷ lệ tăng từ 13% năm 2017 và 12% của năm 2018. Tuy nhiên, các công ty không báo cáo năng suất và doanh thu giảm hay tăng khi giảm thời gian lao động.
Nhật Bản được biết tới là quốc gia mà người lao động làm việc chăm chỉ, thường làm quá giờ. Chi nhánh Microsoft đóng tại Nhật Bản mùa hè vừa qua quyết định thử nghiệm kế hoạch làm việc mới. Theo đó, họ cho nhân viên có tới 3 ngày nghỉ cuối tuần thay vì 2 ngày như trước trong quãng thời gian 5 tuần liên tiếp. Kết quả đáng kinh ngạc khi doanh số trên mỗi nhân viên tăng tới 40% so với trước. Chi nhánh cũng tiết kiệm được hóa đơn tiền điện và chi phí văn phòng như in ấn, nước uống.
Đương nhiên, đây mới chỉ là thử nghiệm và cần được kiểm tra thêm nhiều lần nữa một cách hệ thống hơn mới có thể xác định liệu cắt giảm giờ làm có tăng được năng suất hay không. Thực ra, trước đó đã có một thử nghiệm ở một công ty tại New Zealand năm 2018 với kết quả tương tự.
Ngoài ra, nghiên cứu của nhà kinh tế học John Pencavel thuộc Đại học Stanford (Mỹ) về công nhân nhà máy đạn dược của Anh ở thế chiến thứ nhất thấy được qua một quãng thời gian lao động nhất định thì năng suất lao động bắt đầu giảm ở những giờ tiếp theo.
Không khó để suy luận những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp nếu như phải liên tục làm việc quá giờ. Thời gian lao động dài dẫn tới mệt mỏi cả thể chất và tinh thần. Nó không chỉ ảnh hưởng tới năng suất lao động trong những giờ làm cuối cùng trong ngày đó mà cả ngày sau vì thể lực chưa đủ thời gian để hồi phục. Nếu quá trình này kéo dài thì tinh thần và thể chất mệt mỏi kéo dài liên miên khiến người lao động bắt đầu mắc các sai sót nhỏ, tốc độ lao động chậm lại, không chủ động sửa chữa các lỗi và sáng tạo ra những cái mới.
Hãy về nhà sớm
Nhiều công việc làm theo dây chuyền, chẳng hạn như người lao động bốc hàng ở xưởng phải chờ xe chở hàng tới hay như người bán hàng phải chờ khách hàng thì thời gian thực sự làm việc không nhiều nhưng bị kéo dài. Không ít nhân viên ở lì lại công sở cho tới khi người quản lý về rồi mới về theo bởi vì ngại quở trách lười biếng.
Các nhà quản lý không thể theo dõi sát sao công việc của mọi người lao động nên tốt nhất là khuyến khích họ làm hết việc chứ không phải hết giờ, sau khi xong công việc được giao sẽ trở về nhà để hồi phục năng lượng cho ngày lao động tiếp theo.
Chase Clemons là trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty Phần mềm quản lý Basecamp (Mỹ) cho biết về tính hiệu quả của việc công ty giảm xuống 4 ngày/tuần: “Tuần làm việc 32 giờ khiến nhân viên tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng nhất, phải ưu tiên làm những việc gì trước. Đó không phải là làm việc với tốc độ nhanh hơn mà là làm việc thông minh hơn”.
Mô hình làm việc 4 ngày/tuần của Microsoft tại Nhật Bản là cách đưa người lao động có nhiều thời gian sống với gia đình hơn. Một cách khác là các công ty cho người lao động có được nhiều ngày nghỉ hơn. Thứ ba là cách rút ngắn tuần làm việc lại kiểu như ở Pháp khi chỉ làm việc 35 giờ và có tới 36 ngày nghỉ phép nhận lương hằng năm.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng Pháp là một trong những quốc gia có năng suất lao động/giờ cao nhất thế giới. Hai quốc gia có nền kinh tế top đầu thế giới là Mỹ và Nhật Bản cần phải đẩy mạnh kế hoạch rút ngắn thời gian làm việc của người lao động.
Người lao động Mỹ phải làm việc nhiều giờ hơn so với người lao động ở các nước Bắc Âu. Nhật Bản đã cố gắng giảm giờ làm việc chính thức thấp hơn Mỹ nhưng nhiều công ty vẫn ép nhân viên ở lại làm việc mà không trả lương ngoài giờ.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng thay đổi văn hóa làm việc quá sức nhưng đang gặp khó khăn. Kế hoạch trả lương cho những giờ làm thêm đã bị rút lại vì dữ liệu thống kê cho thấy không hiệu quả. Trong khi đó, một biện pháp trừng phạt các công ty ép nhân viên làm thêm giờ mà không trả lương đã được thông qua.
ANH THƯ (theo Business Insider, Japan Times)