Đừng chủ quan với đục thủy tinh thể

.

Đục thủy tinh thể (ĐTTT) là một tiến trình lão hóa tự nhiên của mắt. Bệnh này không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ do bẩm sinh, cũng như do ảnh hưởng của môi trường sống, va chạm dẫn đến thương tật ở mắt. Điều đáng lo ngại hiện nay là số người bị ĐTTT đang dần trẻ hóa và có sự chủ quan trong việc khám, điều trị kịp thời cho căn bệnh này.

Đục thủy tinh thể sẽ dẫn đến mù lòa nhưng nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. TRONG ẢNH: Khám, tư vấn thị lực cho người bệnh tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.
Đục thủy tinh thể sẽ dẫn đến mù lòa nhưng nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. TRONG ẢNH: Khám, tư vấn thị lực cho người bệnh tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.

Gần 1 năm nay, anh Trần Quốc D. (46 tuổi, trú quận Sơn Trà) bị giảm thị lực, mắt nhìn cứ mờ dần. Vì lý do bận công việc, anh không đi khám mà chỉ mua các loại thuốc nhỏ mắt hỗ trợ tại các tiệm thuốc. Thời gian gần đây, mắt anh liên tục bị nhức, thị lực giảm rõ rệt. Các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám, kết luận anh bị ĐTTT và chỉ định mổ gấp. Nếu tình trạng này kéo dài thêm, nguy cơ mù lòa rất dễ xảy ra. Tương tự, vừa bước ra từ phòng đo thị lực Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, bà Lê Thị X. (58 tuổi, trú Đại Lộc, Quảng Nam) không giấu được sự lo lắng. Vài tháng nay, bà đọc báo, xem ti-vi thấy lờ mờ, cứ nghĩ tuổi già nên mắt kém. “Nhưng vài ngày gần đây, mắt tôi gần như chẳng nhìn được gì, chỉ thấy một màng trắng phía trước nên vội lên đây khám thì được các bác sĩ cho biết cả 2 mắt đều bị ĐTTT rất nặng, có nguy cơ bị mù”, bà X. cho biết.

Khoa Kỹ thuật Phaco, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 30-40 bệnh nhân bị ĐTTT, một nửa trong số đó là bệnh nhân đến từ Đà Nẵng. Theo các bác sĩ, trong số bệnh nhân tới khám, ngoài các bệnh nhãn khoa như cận thị, loạn thị, glôcôm..., thì bệnh nhân bị ĐTTT chiếm đa phần và còn có chiều hướng gia tăng. Điều đáng lo ngại, ĐTTT là tiến trình lão hóa mắt và hiện nay đang có dấu hiệu trẻ hóa. Bác sĩ Thái Lê Na, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi năm đơn vị khám, điều trị cho khoảng 9.000 bệnh nhân bị ĐTTT. Trong các biểu hiện của bệnh ĐTTT, triệu chứng quan trọng nhất là giảm thị lực, ánh nhìn mờ dần, đặc biệt là nhìn xa. “Do vậy, khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần tới ngay các bệnh viện chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Bệnh nhân bị ĐTTT nên được phát hiện và mổ kịp thời, nếu không sẽ để lại hậu quả về sau, thậm chí dẫn đến mù lòa”, bác sĩ Na cho biết thêm.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ĐTTT, nhưng hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật theo phương pháp Phaco (phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm), mỗi ca mổ chỉ kéo dài 10-20 phút. Ưu điểm của phương pháp Phaco đã được nhiều cơ sở y tế trên cả nước khẳng định, đó chính là sự hiện đại, an toàn, thị lực phục hồi sau mổ nhanh, ít biến chứng. “Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, nhiều ca bệnh không thể sử dụng phương pháp này bởi vì bệnh nhân không hề hay biết mình bị ĐTTT trong khi, thị lực càng giảm thì càng khó mổ và tính hiệu quả lại không cao. Ngoài ra, hiện nay tâm lý nhiều người vẫn còn e ngại việc can thiệp vào mắt, đặc biệt là người lớn tuổi. Đây là điều khiến nguy cơ mù lòa do bệnh ĐTTT vẫn còn”, bác sĩ Na chia sẻ.

Bệnh ĐTTT hiện nay không có phương pháp dự phòng, hoàn toàn phụ thuộc vào việc hợp tác và phát hiện sớm hay muộn của chính người bệnh, với dấu hiệu cụ thể nhất là giảm thị lực. Nhiều bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ mù lòa khi bị biến chứng tăng nhãn áp do không điều trị ĐTTT. Thậm chí, dù được được điều trị thì khả năng phục hồi thị lực là rất kém khi không quan tâm kịp thời và đúng mức đến các dấu hiệu bệnh lý của mắt. Để phòng ngừa ĐTTT, các bác sĩ khuyến cáo cần bảo vệ mắt tránh các tác động từ môi trường như đeo kính mát khi ra nắng, hạn chế làm việc trước máy tính trong thời gian dài liên tục, hạn chế bia, rượu, chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ngoài ra, bệnh nhân bị một số bệnh lý, đặc biệt là đái tháo đường, cần điều trị kiểm soát tốt đường huyết và bắt buộc phải khám mắt định kỳ.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

 
;
;
.
.
.
.
.