Covid-19: Đại dịch toàn cầu hay cuộc khủng hoảng truyền thông

.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa thông báo tổ chức này đánh giá Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó. Điều đó cho thấy tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, tốc độ lan nhanh khó kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

Bác sĩ Võ Văn Thu-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng
Bác sĩ Võ Văn Thu-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng

Kể từ khi bắt đầu phát hiện ca nhiễm đầu tiên giữa tháng 12-2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc đến nay dịch đã lan ra hầu hết các châu lục. Hiện dịch xuất hiện ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 122.000 người nhiễm, hơn 4.300 người tử vong và hơn 67.000 người bình phục. Trong đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 81.000 ca nhiễm, hơn 3.100 ca tử vong và gần 62.000 người bình phục. Điều đó cho thấy tốc độ lây nhiễm của Covid-19 khiến cho các nhà dịch tể học trên thế giới thực sự lo lắng.

So với SARS, sau 8 tháng phát dịch từ 11-2002 đến tháng 7-2003 có 8.220 người nhiễm bệnh thì con số này ở Covid-19 là sau 8 tuần (Ts Senanayake) điều đó cho thấy tốc độ lây nhiễm của Covid-19 khiến cho các nhà dịch tễ học trên thế giới thực sự lo lắng.

Nhưng đáng lo ngại hơn là sự bùng phát thông tin về một bệnh dịch do virus không rõ loại gây chết người hàng loạt đang phát tán trên các trang mạng xã hội với tốc độ khủng khiếp làm cho tình hình dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Các cơ quan truyền thông từ báo, đài, các tổ chức chính trị, các tổ chức y tế trên toàn thế giới cũng như cộng đồng sử dụng mạng  xã hội liên tục đăng tải những tin tức, hình ảnh, video, youtube về tình hình dịch bệnh.

Với thông tin ít ỏi từ chính quyền, tổ chức y tế có uy tín không đủ để người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh vì thế họ gia tăng tìm kiếm thông tin về Covid-19 trên các trang mạng xã hội, đây là cơ hội để những kẻ chuyên kiếm tiền lợi dụng tung tin giả để trục lợi.

Thuyết âm mưu, tâm lý đám đông, các blogger, tình trạng câu like, thích bình luận trên các trang mạng… tha hồ “sáng tác” những tin tức vô cùng sống động nhưng không được kiểm chứng như virus thoát ra ngoài môi trường từ phòng thí nghiệm, virus được tạo ra phục vụ cho chiến tranh sinh học, virus là sản phẩm của Bill Gates tạo ra liên quan đến kế hoạch sản xuất vaccine... cho đến hình ảnh bệnh nhân chết hàng loạt ở bệnh viên, trên đường phố và ga tàu, sân bay và biến thành xác sống… gây ra sự hoang mang tột độ trong xã hội.

Cuộc sống bị đảo lộn, người dân phải bon chen cả ngày trời để tìm mua một chiếc khẩu trang hay một chai nước sát khuẩn để phòng bệnh… tin giả làm ngăn cách giữa người với người, thậm chí thấy người gặp nạn không dám cứu vì người đó đến từ Trung Quốc. Người Hoa và gốc Á trở thành nạn phân biệt đối xử tại châu Âu, Mỹ… khiến cho lãnh đạo các quốc gia châu Âu phải lên tiếng cảnh báo người dân không phân biệt đối xử…

Tin giả còn trở nên nguy hiểm hơn khi nó tác động làm các giao dịch tài chính, kinh tế đều trì trệ, hàng quán vắng khách, công sở, trường học đóng cửa, gây nên sự hoảng loạn lan truyền trên toàn thế giới với tốc độ còn nhanh hơn sự lây truyền của Covid-19.

Tất cả tạo nên sự khủng hoảng truyền thông với tin giả tràn ngập ngày một gia tăng không kiểm soát. Có thể phải mất thời gian dài sau này mới có thể thống kê được sự thiệt hại do tin giả gây ra.

Nhận thức sự tác hại này mà ngày 13-2, WHO đã phải họp với các tập đoàn truyền thông như Fecebook, Amazon, Google, Twitter, Youtube… để tìm cách ngăn “đại dịch tin giả”.

Hy vọng qua cuộc họp đến từ các quốc gia, chính trị gia, tổ chức y tế có uy tín trên thế giới cùng với các tập đoàn truyền thông sẽ sớm đưa ra giải pháp để sàng lọc, ngăn chặn nạn thông tin giả trước các thảm họa nhằm giúp cho sự sống của chúng ta an toàn hơn trong tương lai.

BS VÕ VĂN THU

;
;
.
.
.
.
.