Ngày 23-3: Tăng thêm 10 ca mắc, cả nước bước vào giai đoạn 3 'cuộc chiến' chống Covid-19

.

Các ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 23-3 hầu hết là những người từ nước ngoài về, nâng tổng số bệnh nhân dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) ở nước ta lên 123 trường hợp. Bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch phòng chống Covid-19, cả nước căng mình chống dịch, không để lây lan trong cộng đồng.

Hạn chế tối đa tụ tập đông người

Theo thống kê của Bộ Y tế, tới 22 giờ  ngày 23-3, cả nước ta có 123 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 17 ca đã bình phục (16 ca được chữa khỏi bệnh hoàn toàn, 1 bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính lần 2). Số còn lại đang được điều trị trong các cơ sở y tế với tình trạng sức khoẻ ổn định, trừ 2 trường hợp bệnh nặng đang được điều trị tích cực.

 Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng môi trường sân bay Vân Đồn. Ảnh: TTXVN phát
Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng môi trường sân bay Vân Đồn. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 23-3, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện tại cả nước đang bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch phòng, chống Covid-19, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao. Lý do là giai đoạn trước mắt, số lượng người sau khi nhập cảnh, được cách ly ngày càng nhiều. Theo dự báo của Bộ Y tế, đến khoảng cuối tháng 4 là thời điểm bùng nổ cao nhất về dịch tại nước ta.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo lắng về việc mặc dù trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao nhưng các hiện tượng xã hội nhất là tại các thành phố lớn vẫn tồn tại, chưa được hạn chế như: Ăn nhậu đông người, nhiều cơ sở thờ tự vẫn làm lễ với số lượng người tham dự lên đến cả ngàn người. Các điểm tụ tập đông người vẫn diễn ra. Đáng chú ý, nguy cơ lây nhiễm trong số những người được cách ly ở các điểm cách ly tập trung vẫn có khả năng xảy ra.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên cả đường bộ, đường sắt, hàng không. Tiếp tục cách ly tập trung đúng quy định; tổ chức các phương thức cách ly đặc biệt, nhất là cách ly tại nhà đảm bảo đúng quy trình, tuân thủ các quy định về y tế, ngăn ngừa việc lây lan ra cộng đồng. Thủ tướng lưu ý đến việc đảm bảo an toàn đối với đội ngũ các y, bác sỹ làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 và các đối tượng làm nhiệm vụ khác có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian 20 đến 25 ngày tới là thử thách lớn đối với thành công của tiến trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu: Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa tụ tập đông người, nhất là các dịch vụ như nhà hàng, quán karaoke. Các đám cưới, đám tang cũng phải hạn chế tụ tập đông người. Thủ tướng đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các địa phương theo dõi, nhắc nhở vấn đề này để đảm bảo sức khỏe người dân.

Lực lượng Công an phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát các đối tượng đi nước ngoài về từ 8-3-2020; cung cấp danh sách cho cơ quan y tế, từ đó xác định các đối tượng tiến hành cách ly, xét nghiệm tránh lây lan trong nhân dân.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo, nếu gây hậu quả thì xử lý hình sự.

Các địa phương xiết chặt công tác kiểm soát dịch bệnh

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt của hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt của hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Tại TP Hồ Chí Minh, công tác cách ly đã được thực hiện nghiêm cẩn hơn sau những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn. Chiều 23-3, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trên địa bàn đã xuất hiện những ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời cảnh báo nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Lý do là thành phố đang phải tiếp nhận một lượng lớn người từ nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung gây áp lực rất lớn và ngành y tế đã phải căng sức thực hiện những biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Trước mắt, các chung cư cao cấp nơi có bệnh nhân mới phát hiện sẽ hạn chế ra vào, tiếp xúc với bên ngoài cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Đối với khu dân cư có đông người Hồi giáo, cơ quan chức năng tiến hành đánh giá, phân loại, tiếp tục truy tìm những trường hợp có tham gia hoặc liên quan đến những người tham gia vào sự kiện tôn giáo tại Malaysia; đối với những người tiếp xúc gần phải nhanh chóng đưa đi cách ly tập trung, những người khác phải thực hiện nghiêm túc việc cách ly tại nơi cư trú dưới sự giám sát của y tế và chính quyền địa phương.

Trước nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, ông Bỉnh đề nghị: “Đối với các thành viên sống cùng phòng trong khu cách ly với những người có xét nghiệm dương tính hoặc có nguy cơ cao, cần tách ra các phòng đơn để tránh nguy cơ lây lan”.

Trong khi đó, chiều 23-3, Bộ Giao thông Vận tải ra công văn hoả tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tạm dừng vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ 0h ngày 25-3-31-3-2020. Đây là biện pháp hạn chế, giãn cách các chuyến bay để tránh hiện tượng quá tải các khu cách ly.

Trên toàn quốc, hiện nay đã có 18 địa phương phát hiện các ca bệnh. Các địa phương đã và đang khẩn cấp triển khai các giải pháp phòng chống.

Tại Tây Ninh, tỉnh có 2 ca từ Campuchia trở về qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dương tính với virus SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu khẩn trương xác định các trường hợp tiếp xúc gần và các trường hợp F2, tổ chức khoanh vùng nguy cơ, cách ly, bảo đảm tránh lây lan.

Tại Hải Phòng, từ 25-3 sẽ bố trí chốt kiểm tra, giám sát phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Thái Bình nâng mức cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch lên mức độ cao nhất và quyết định tạm thời dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, khu điểm du lịch cấp tỉnh và các hoạt động thể dục thể thao trong 30 ngày tới

Trong ngày 23-3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế ngành về việc đảm bảo cung cấp đủ thuốc để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19.

Cùng ngày, Cục Quản lý Dược cũng có văn bản gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc, yêu cầu không được tăng giá bán; không găm hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc khác trong danh mục thuốc phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.

Những thông tin tích cực

Ngày 23-3 cũng ghi nhận nhiều thông tin mang tính tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cùng hưởng ứng rửa tay, phòng bệnh, cách ly với nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: BYT
Cùng hưởng ứng rửa tay, phòng bệnh, cách ly với nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: BYT

Sau gần 10 ngày nghiên cứu và chế tạo, ngày 23-3, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã hoàn thiện robot BK-AntiCovid và bàn giao cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Robot này có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, thuốc, vật dụng sinh hoạt cá nhân… cho bệnh nhân trong khu vực cách ly của bệnh viện nhằm tránh nhiễm chéo cho các y, bác sĩ. Robot BK-AntiCovid được làm bằng vật liệu thép không gỉ, liền khối, với cấu trúc gồm hệ thống truyền động, khay chứa hàng, camera và điều khiển bằng thiết bị cầm tay từ xa. Robot có trọng lượng 100kg, có thể hoạt động trong khoảng thời gian từ 8-12 giờ sau mỗi lần sạc điện đầy. Các y, bác sĩ chỉ cần đứng từ xa để điều khiển robot thông qua thiết bị điều khiển và camera quan sát được gắn phía trước sản phẩm.

Chiều 23-3, tại phiên họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 với sự tham gia của các chuyên gia và lãnh đạo ngành y tế, các bệnh viện Hà Nội được xác định đủ năng lực và sẽ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 về điều trị. Bên cạnh đó, chiều 23-3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngoài 4 máy xét nghiệp virus SARS-CoV-2 được Ban Chỉ đạo quốc gia trang bị, Công ty Việt Á đã hỗ trợ thêm 2 máy, trong thời gian tới công ty Việt Á sẽ hỗ trợ thêm 8 máy nữa để nâng tổng số lên 12 máy xét nghiệm. Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã xét nghiệm được gần 7.300 mẫu.

Trong khi đó, bệnh viện FV (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã hoàn thành và nộp hồ sơ lên Bộ Y tế xin được thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Khoa Xét nghiệm được trang bị hệ thống PCR đạt tiêu chuẩn quốc tế và cam kết sẽ thực hiện xét nghiệm miễn phí.

Sáng 23-3, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever - nhãn hàng Lifebuoy tổ chức lễ khánh thành trạm rửa tay miễn phí đầu tiên (trong tổng số 100 trạm trên cả nước) tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một thông tin tích cực trong ngày 23-3: Các nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai có tiếp xúc với ca bệnh dương tính (là 2 cán bộ y tế của Bệnh viện trước đó), đang được cách ly tại bệnh viện, chuẩn bị được xét nghiệm lần 2. Kết quả xét nghiệm lần 1 là âm tính.

Trong những ngày dịch bệnh, các y, bác sĩ luôn là những người ở “tuyến đầu”, đấu tranh với dịch bệnh, bảo vệ cộng đồng. Sau những giờ căng mình làm việc, các cán bộ y bác sỹ, thầy thuốc ngành y tế đã chụp những bức hình, làm những clip ấn tượng với phong cách trẻ trung, động viên cộng đồng: “Chung sức, vững tâm vượt qua đại dịch”; “Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin bạn hãy ở nhà vì chúng ta”. Trong ngày 23-3, những hình ảnh xúc động này đã có sức lan toả mạnh mẽ và tác động tới nhân thức của cả cộng đồng.

Ngày 23-3, thông tin về một sự kiện hy hữu  khiến nhiều người quan tâm. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật áp xe ruột thừa trong ổ bụng (ruột thừa đã vỡ) cho bệnh nhân cách ly tại Bệnh viện. Bệnh nhân là nữ, 28 tuổi vừa từ Nhật Bản về và đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong thời gian cách ly tại Bệnh viện, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, sốt cao trên 38 độ liên tục nên các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn ngoại khoa tại giường bệnh.

Qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân có phản ứng thành bụng, kết quả chụp ổ bụng có hình ảnh abcess ruột thừa trong ổ bụng. Sau khi hội chẩn, ê kíp đã quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Theo BS. Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại - sản, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: “Hiện bệnh nhân đã được cắt xong ruột thừa, dẫn lưu ổ abcess ra ngoài. Bệnh nhân đã phục hồi, sức khỏe ổn định”.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.