Lợi thế trong khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

.

Nếu như thế mạnh của y học hiện đại là sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cấp cứu, điều trị kịp thời những trường hợp cấp tính, thì y học cổ truyền lại mang đến nhiều lợi ích đối với những bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính hoặc di chứng do tai biến để lại.

Bệnh viện Y học cổ truyền điều trị bệnh nhi bị méo miệng do liệt dây thần kinh số 7.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bệnh viện Y học cổ truyền điều trị bệnh nhi bị méo miệng do liệt dây thần kinh số 7. Ảnh: PHAN CHUNG

Thời gian gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tiếp nhận nhiều bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 gây méo miệng, nhắm mắt không kín do nhiễm lạnh. Liệt dây thần kinh số 7  phổ biến ở mọi lứa tuổi, thậm chí với cả trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Bệnh nhân  N.L.T. (8 tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sau khi ngủ dậy thấy mắt phải nhắm không kín, súc miệng nước trào ra ở khóe miệng phải, nhân trung bị lệch trái, miệng méo sang trái. Chị Hòa, mẹ cháu T. hốt hoảng đưa ra Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng để khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu T. bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh và được chỉ định châm cứu kết hợp với xoa bóp bấm huyệt, chườm thuốc y học cổ truyền. Sau 10 ngày điều trị, khuôn mặt cháu T. đã trở lại bình thường và được xuất viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Lý, Trưởng đơn vị điều trị liệt mặt, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

“Bệnh càng để lâu càng khó chữa nên người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Tùy từng nguyên nhân và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp như châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại, dùng thuốc đông tây y kết hợp để tăng hiệu quả điều trị”, bác sĩ Lý cho biết.

Được biết, nhiều dịch vụ, kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đã và đang được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, bệnh nhân đến chăm sóc sức khỏe thường là những người lớn tuổi, mắc các bệnh mạn tính, đã qua thời gian điều trị theo phương pháp hiện đại nhưng không hiệu quả. “Những bệnh lý này đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên nhẫn vì tính hiệu quả không thể hiện trong 1-2 ngày.

Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn của nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, khi họ đã đi nhiều nơi và áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhưng vẫn không được như ý”, bác sĩ Dũng cho biết.

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền phục vụ khách du lịch đang là xu hướng Đà Nẵng đang triển khai những năm gần đây. Hiện nay, nhiều du khách đến Đà Nẵng du lịch đều mong muốn được chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp y học cổ truyền. Đơn vị Du lịch chữa bệnh thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền ra đời đã đáp ứng được nhu cầu đó.

Các phương pháp điều trị được áp dụng rất phong phú, hiện đại và hiệu quả như điện châm, xoa bóp bấm huyệt, chườm thuốc, cấy chỉ, hỏa long cứu, tác động cột sống, giải phóng cân cơ, giác hơi, vật lý trị liệu, xông thuốc... Bệnh viện đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất sản phẩm thuốc y học cổ truyền phục vụ người bệnh. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật mới trên thế giới cũng được ứng dụng kịp thời như kỹ thuật châm cứu, cấy chỉ thẩm mỹ và điều trị liệt mặt tại Trường Đại học Kyung Hee (Seoul, Hàn Quốc); giao lưu học thuật với các tổ chức Steady Footstep (Hoa Kỳ) trong điều trị bằng vật lý trị liệu, điều trị tai biến mạch máu não...

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.