Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố liên tục tăng, gây áp lực lớn cho công tác điều trị. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế thành phố huy động nhân lực, thiết bị và tổ chức phân tầng điều trị theo từng cấp độ với tiêu chí hạn chế tình trạng chuyển nặng.
Bác sĩ đang điều trị Covid-19 cho bệnh nhân thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG |
Phân tầng điều trị
Sau hơn 10 ngày thành lập, Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây thành phố (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đang tiếp nhận, điều trị hơn 600 bệnh nhân mắc Covid-19. Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, phụ trách Bệnh viện dã chiến, hiện nay Bộ Y tế phân chia hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19 thành 3 tầng: tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu; tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… và tầng 3 là tầng điều trị cho các diễn biến nặng cần các chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.
Theo tiêu chí phân loại, Bệnh viện dã chiến là tầng 1 trong hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19 của Sở Y tế, tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang và tầng 3 là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Với mỗi tầng như vậy, ngành y tế bố trí nguồn lực phù hợp, kịp thời đánh giá nguy cơ, xác định nhu cầu điều trị phù hợp nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Hiện tại, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ở dạng nhẹ tăng nhiều, Bệnh viện dã chiến tiếp tục bổ sung, tăng cường nhân lực và mở thêm các block nhà để bố trí tiếp nhận. Ngành y tế bố trí 220 nhân viên thực hiện nhiệm vụ theo dõi, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến, tổ chức tập huấn, sẵn sàng nguồn nhân lực dự phòng để mở rộng quy mô tiếp nhận tối đa 2.000 bệnh nhân.
“Là nơi được phân công điều trị những ca bệnh nhẹ, không có triệu chứng nhưng do đặc điểm các bệnh nhân mắc Covid-19 lần này dễ chuyển biến nặng nên đơn vị sẵn sàng các ê-kíp chuyên môn sâu, bảo đảm giường hồi sức để cấp cứu những trường hợp cần thiết”, bác sĩ Nhân cho biết.
Để nâng cao hiệu quả, bảo đảm công tác điều trị thông suốt, 3 đơn vị y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất với nhau và với các chuyên gia đầu ngành từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua hình thức giao ban trực tuyến, các nội dung đánh giá nguy cơ bệnh nhân từng thời điểm trong ngày được cập nhật. Kết quả này giúp phân loại, hội chẩn kịp thời để đưa ra phác đồ điều trị sớm cho các bệnh nhân, tránh tình trạng chuyển bệnh nhân từ nhẹ thành nặng, từ trung bình thành nguy kịch.
Tập trung cho nhóm nguy cơ
Các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 là người cao tuổi, có bệnh nền và trẻ em, phụ nữ mang thai. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, đơn vị đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân, trong đó nhiều trường hợp là phụ nữ mang thai và trẻ em. Đối với phụ nữ mang thai, đơn vị có sự hỗ trợ, phối hợp của các bác sĩ, hộ lý của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Trong trường hợp bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe liên quan đến thai nhi, các nhân viên y tế chuyên khoa sản trực tiếp khám, theo dõi. Nếu vượt quá chuyên môn thì tổ chức hội chẩn trực tuyến với lãnh đạo phụ trách chuyên khoa sản của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
“Ngoài ra, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi Covid-19. Ngoài công tác điều trị Covid-19 theo phác đồ có sẵn với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, bệnh viện tổ chức, điều phối nhân lực làm bảo mẫu cho các cháu trong thời gian điều trị. Tâm lý lo sợ khi không có người thân bên cạnh, chế độ ăn uống của các cháu đa dạng nên ngoài công tác chuyên môn, nhân viên y tế đảm trách luôn vai trò người thân cho các cháu”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đơn vị đang tiếp nhận, điều trị hơn 90 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, trong đó có 20 bệnh nhân trở nặng, nguy kịch, 6 trường hợp phải thở máy, 2 trường hợp chạy ECMO (máy tim, phổi nhân tạo). Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhiều gấp 3 lần so với năm 2020. Đặc trưng của đợt điều trị lần này là bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến rất nhanh. Trước đây, bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền sau 5-7 ngày mắc Covid-19 mới có biểu hiện trở nặng nhưng nay có những trường hợp 1-2 ngày đã phải can thiệp ECMO.
“Hiện Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 130 nhân viên y tế gồm nhân viên của bệnh viện và các đơn vị khác tăng cường tham gia công tác điều trị. Mỗi ê-kip trực gồm 4 bác sĩ và 23 điều dưỡng trang bị bảo hộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, điều trị bệnh nhân. Trước đây anh em làm việc 3 tuần thì được rút về khách sạn nghỉ ngơi, cách ly 14 ngày nhưng nay do tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhân lực thiếu nên anh em trực 4 tuần liên tục mới được rút ra nghỉ ngơi”, bác sĩ Phúc cho biết.
Khu vực điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được lắp đặt trang thiết bị, hệ thống ô-xy, khí nén theo tiêu chuẩn của khoa hồi sức cấp cứu điều trị cho những bệnh nhân nặng. Khoa ICU - đơn vị hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực - được thiết kế riêng biệt, vô trùng, an toàn, tiện nghi, được sử dụng để chăm sóc liên tục cho những người bệnh nặng. Các nhân viên y tế tại đây chịu cường độ, áp lực công việc cao khi luôn theo sát diễn biến từng giây, từng phút của bệnh nhân để có biện pháp kịp thời nhằm nỗ lực cứu chữa thành công các trường hợp mắc Covid-19 diễn tiến nặng.
PHAN CHUNG