Truy vết kỹ, sàng lọc kịp thời ca nhiễm cộng đồng

.

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong cộng đồng tăng, trong đó có nhiều ca ghi nhận tại các khu công nghiệp. Theo phân tích của ngành y tế, nếu không truy vết thật kỹ F1, để bỏ sót ngoài cộng đồng sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới, gây khó khăn cho công tác phòng, chống Covid-19.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các địa phương chuyển lên xét nghiệm. Ảnh: LÊ HÙNG
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các địa phương chuyển lên xét nghiệm. Ảnh: LÊ HÙNG

Bỏ sót F1

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, số ca mắc Covid-19 vẫn liên tục ghi nhận mỗi ngày. Đáng chú ý, có nhiều ca sau khi dương tính SARS-CoV-2, lực lượng chức năng tổ chức truy vết, điều tra dịch tễ thì phát hiện những trường hợp này có liên quan đến các chuỗi lây nhiễm đã được ghi nhận trước đó. Điều đó có nghĩa các F1, F liên quan đến chuỗi lây nhiễm, liên quan đến các F0 đã được phát hiện vẫn còn bỏ sót trong cộng đồng.

Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố cho biết, có tình trạng F1 bị bỏ sót trong quá trình điều tra dịch tễ, truy vết. Nguyên nhân, theo bác sĩ Thạnh, việc mở cửa các dịch vụ, hoạt động thích ứng với trạng thái mới nên người dân được tự do, thuận tiện đi lại làm việc, tham gia các hoạt động, dịch vụ.

“Quá trình khai báo dịch tễ sau khi mắc Covid-19, có nhiều trường hợp bỏ sót các địa điểm mình từng ghé đến trước đó vì họ tham gia quá nhiều hoạt động, dịch vụ không thể nhớ hết được. Đó là lý do vì sao các ca mắc liên quan đến các chuỗi lây nhiễm trước đó vẫn liên tục ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Để kiểm soát thực trạng này, một trong những điều kiện mà UBND thành phố ban hành khi địa phương thiết lập trạng thái bình thường mới là tăng cường quét mã QR khi tham gia các hoạt động, dịch vụ, sự kiện đông người. Việc này giúp các địa phương, lực lượng chức năng kiểm soát được lịch trình đi lại, các điểm đến mà những F0 có mặt, từ đó chủ động thông báo để người dân tự theo dõi sức khỏe hoặc liên hệ cơ quan y tế khi có nguy cơ.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc triển khai mã QR vẫn chưa đồng bộ. Người dân, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn bị động, đối phó với yêu cầu này, trong khi UBND các quận, huyện vẫn chưa vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm. “Cần tăng cường triển khai ứng dụng này. Đặc biệt khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm túc việc quét mã QR, đồng thời chính quyền các địa phương cần xử lý mạnh tay những cá nhân, chủ cơ sở vi phạm; khen thưởng, khuyến khích và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, các cá nhân, cơ sở gương mẫu, điển hình trong triển khai mã QR”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.

Sản xuất bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA
Sản xuất bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ngăn chặn nguồn lây tại khu công nghiệp

Đại diện Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (đơn vị quản lý KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) cho biết, sau khi ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), ngay trong ngày 22-11, các ngành chức năng nhanh chóng tiến hành các biện pháp phòng dịch theo quy định. Trong đó, qua thực hiện xét nghiệm PCR đối với 455 công nhân làm việc tại doanh nghiệp này đã phát hiện thêm một ca dương tính. Trong ngày 23-11, ngành chức năng tiếp tục tiến hành xét nghiệm 900 công nhân tại đơn vị nhằm sàng lọc kịp thời những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng, cùng với việc triển khai nhanh các biện pháp phòng dịch tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa, đơn vị đã có các văn bản gửi đến từng doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại KCN Hòa Khánh, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các công tác phòng, chống dịch của thành phố, nâng cao mức cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan lơ là. Hiện nay, KCN Hòa Khánh có 200 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 7.000 công nhân. Do đó, công tác chống dịch được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy, việc xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong KCN luôn được nhìn nhận là vô cùng nguy hiểm, vì nguy cơ bùng dịch diện rộng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, các doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần chủ động trong thực hiện các biện pháp phòng dịch, thậm chí đề ra nhiều cách làm mới với khả năng phòng dịch cao hơn so với yêu cầu cũng như khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho hay đã nhanh chóng phối hợp đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng cũng như ngành chức năng tiến hành xét nghiệm, sàng lọc cũng như phong tỏa hợp lý tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa cũng như khu vực nhà trọ nơi có công nhân của công ty cư trú. Nhận thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đơn vị thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, duy trì các đoàn kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp và báo cáo hằng ngày đến Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Ban Quản lý cũng phối hợp các ngành chức năng và các doanh nghiệp lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho người lao động nhằm sàng lọc, sớm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh, hạn chế thấp nhất mức độ lây lan ra cộng đồng.

Tính đến nay, đã có 71.417 chuyên gia, người lao động tại Khu Công nghệ cao và các KCN, Khu Công nghệ thông tin tập trung được tiêm vắc-xin mũi 1 (đạt tỷ lệ 96,8% tổng số người lao động); có 60.740 người lao động được tiêm vắc-xin mũi 2 (đạt tỷ lệ 82,3% tổng số người lao động). Qua rà soát, còn 2.385 người lao động chưa được tiêm chủng, chủ yếu là lao động mới được tuyển dụng từ các tỉnh khác hoặc chưa đủ các điều kiện được tiêm.  

Nghiêm túc chấp hành quy định cách ly tại nhà
 
Trước thực trạng các F1 vẫn còn sót ngoài cộng đồng, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng khuyến cáo người dân khi tham gia các hoạt động, dịch vụ cần tuân thủ hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Đối với những trường hợp F1 đang thực hiện cách ly, đặc biệt là cách ly F1 tại nhà, cần nêu cao tinh thần tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; tuyệt đối không đi khỏi khu vực nhà ở được thiết lập làm địa điểm cách ly.

Bên cạnh đó, những trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì cần chủ động liên hệ địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn và tiêm. Theo bác sĩ Thạnh, những trường hợp đã tiêm vắc-xin nhưng mắc Covid-19 sẽ hạn chế việc lây nhiễm cho người khác, đồng thời bản thân cũng mắc ở dạng nhẹ, khó trở nặng và nguy kịch như những trường hợp chưa tiêm vắc-xin.

P.CHUNG - K.HÒA

;
;
.
.
.
.
.