Đánh giá, thiết lập vùng cách ly y tế tại cộng đồng

.

ĐNO - Ngày 7-12, Sở Y tế có công văn gửi UBND các quận, huyện về việc đánh giá, thiết lập vùng cách ly y tế (phong toả) trên cơ sở căn cứ Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16-9 của Bộ Y tế.

Theo đó, quy mô của khu vực phong toả có thể là cụm dân cư, khu phố, dãy phố, thôn, tổ, xóm, xã, phường, cơ quan, đơn vị… theo nguyên tắc khoanh vùng rộng, xét nghiệm nhanh để đánh giá tình hình, thiết lập phong tỏa hẹp nhất có thể nhưng phải bảo đảm yêu cầu kiểm soát, phòng chống Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng, phải đánh giá nguy cơ lây lan (dựa trên mức độ tiếp xúc, di chuyển, hoạt động xã hội của người mắc Covid-19 và người dân xung quanh nơi lưu trú, nơi làm việc của người mắc Covid-19, kết quả xét nghiệm, mức độ lây nhiễm, số ca mắc trong chuỗi, tình trạng tiêm vắc-xin…) để quyết định có thiết lập phong toả hay không.

Quy mô và phạm vi phong toả phù hợp theo nguyên tắc nêu trên, không phong toả một cách rập khuôn, máy móc, tránh tình trạng phong toả quá hẹp có thể để sót trường hợp liên quan đến ca bệnh, các trường hợp mắc Covid-19 mà không được quản lý, lấy mẫu xét nghiệm hoặc quá rộng gây lãng phí và ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của người dân.

Tại khu vực phong tỏa cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly y tế, quản lý chặt chẽ theo quy định. Thực hiện cách ly tại từng hộ gia đình trong khu vực phong tỏa với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; bảo đảm từng nhà đóng cửa, không ra khỏi nhà. Trước nhà để bàn nhận nhu yếu phẩm, hàng hoá tiếp tế; dưới bàn là chỗ để chất thải và quy định thời gian để chất thải và thu gom chất thải trong vùng.

Những nhà có F1 hoặc F2 được chỉ định cách ly tại nhà phải dán bảng thông báo trước cửa nhà để phân biệt với các nhà khác trong khu vực phong tỏa. Các tổ Covid-19 cộng đồng trong khu vực phong tỏa làm cầu nối giữa người dân trong khu vực phong tỏa với bên ngoài, ghi nhận tình hình sức khỏe người dân để báo cáo và kịp thời xử lý.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.