Phong tỏa chặt, truy vết nhanh, thực hiện nghiêm 5K

.

Số ca mắc Covid-19 mới và số ca ghi nhận trong cộng đồng tăng cho thấy tình hình dịch trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, nhiều trường hợp xuất hiện ở những nơi tập trung đông người khi có triệu chứng sốt, ho, đến cơ sở y tế xét nghiệm dương tính khiến công tác điều tra, truy vết gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho tiểu thương buôn bán tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà).Ảnh: LÊ HÙNG
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho tiểu thương buôn bán tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: LÊ HÙNG

Nhiều trường hợp phát hiện sau khi có triệu chứng

Quận Liên Chiểu đang là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Từ ngày 1-12 đến 13 giờ ngày 6-12, địa phương này ghi nhận 270 ca, trong đó 244 ca có khả năng lây cộng đồng. Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, địa phương nhanh chóng điều tra, rà soát những địa điểm có yếu tố dịch tễ, kịp thời thông báo rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số người liên quan đến yếu tố dịch tễ chủ động liên hệ cơ sở y tế không nhiều.

“Tranh thủ sự hỗ sợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, UBND quận chỉ đạo lực lượng y tế địa phương đẩy nhanh tốc độ điều tra, truy vết, kịp thời cách ly F1 và xác định khu vực nguy cơ cao để phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng tăng cường giám sát F1 cách ly tại nhà, tránh tạo nguồn lây nhiễm mới. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nhiều F0 được phát hiện sau khi có triệu chứng ho, sốt đến cơ sở y tế xét nghiệm. Đối với những trường hợp này, chúng ta đang chạy theo sau nên phải thần tốc truy vết. Vì vậy, để phát hiện sớm F0 trong cộng đồng, cần có kế hoạch xét nghiệm diện rộng trong thời gian đến”, ông Nguyễn Đăng Huy cho biết.

Địa phương có số ca mắc ghi nhận thứ 2 trên địa bàn thành phố là quận Sơn Trà. Trong 6 ngày qua, quận ghi nhận 105 ca mắc Covid-19, trong đó 88 ca có khả năng lây cộng đồng. Các ổ dịch xuất hiện tại đường An Hải Bắc 8 (phường An Hải Bắc), Công ty thủy sản Thuận Phước, khu vực Mân Quang, đường Lê Tấn Trung (phường Thọ Quang). Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, đa số các ca mắc mới được ghi nhận do có triệu chứng sốt, ho đến cơ sở y tế test nhanh dương tính, tập trung nhiều ở công nhân làm việc trong khu công nghiệp và tạm trú tại các nhà trọ.

Theo đánh giá, nếu quản lý tốt các điểm nguy cơ này, tình hình dịch trên địa bàn quận sẽ giảm. UBND quận chỉ đạo UBND các phường, tổ dân phố, cảnh sát khu vực rà soát tất cả trường hợp tạm trú trên địa bàn, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, tổng hợp số liệu tạm trú chưa tiêm vắc-xin để tổ chức tiêm đạt kết quả tốt. “UBND quận làm việc với Trung tâm y tế quận, lãnh đạo 7 phường và trạm y tế quán triệt việc thực hiện điều trị F0 tại nhà. Quận chọn 2 điểm trên địa bàn phường Thọ Quang thực hiện trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà.

Ngoài nhân viên y tế của Trung tâm y tế quận tăng cường, địa phương cũng huy động cán bộ y tế về hưu tham gia hỗ trợ trạm y tế lưu động. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho việc thí điểm điều trị F0 tại nhà đã hoàn tất, đang chờ thêm sự hỗ trợ, trang bị thuốc men, dụng cụ y tế của tuyến trên”, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, những ngày qua, quận Liên Chiểu chiếm gần 50% số ca mắc Covid-19 mới của thành phố và rải đều ở 5 phường. “Số ca mắc tại cộng đồng xuất hiện nhiều tại phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Trong đó, phường Hòa Khánh Nam nguy cơ rất cao. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Y tế hỗ trợ quận Liên Chiểu trong công tác điều tra, truy vết và xác định từng khu vực nguy cơ để tổ chức phong tỏa phù hợp, chặt chẽ, tránh lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, xác định tình hình dịch hằng ngày để chuyển cấp độ kịp thời, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Bên cạnh đó, quận Liên Chiểu có thể chủ động đề xuất khu vực nguy cơ để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho tiểu thương buôn bán tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà).Ảnh: LÊ HÙNG
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho tiểu thương buôn bán tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: LÊ HÙNG

Không chủ quan khi đã tiêm vắc-xin

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy, tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố đang có nguồn lây đa dạng tồn tại trong cộng đồng. “Sở bố trí đội chuyên gia hỗ trợ khẩn cấp các địa phương khi phát sinh điểm nóng. Thực tế thời gian qua, đội chuyên gia hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các địa phương phải sớm phát hiện yếu tố nguy cơ bùng phát dịch để liên hệ CDC thành phố và tổ chuyên gia hỗ trợ kịp thời”, bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết.

Hiện nay, việc giao lưu, đi lại của người dân rộng mở nên khi xảy ra ca bệnh, công tác truy vết, tìm nguồn lây rất vất vả, thậm chí nhiều ca bệnh không xác định được nguồn lây. Bác sĩ Trần Thanh Thủy cho rằng: “Vấn đề ngành y tế đang lo ngại chính là tâm lý chủ quan khi đã tiêm vắc-xin của người dân. Nhiều người cho rằng đã tiêm vắc-xin nên việc lây nhiễm sẽ giảm, vì thế không thực hiện nghiêm biện pháp 5K. Các hàng quán, chợ, siêu thị... tập trung đông người là nguồn phát tán ca bệnh”.

Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế khuyến cáo y, bác sĩ, nhân viên hạn chế đến những nơi đông người, hạn chế tham gia dịch vụ có nguy cơ. “Cộng đồng còn ca bệnh và việc cán bộ y tế bị lây nhiễm, đưa nguồn lây bên ngoài vào bệnh viện đã xảy ra. Việc này cũng có thể xảy ra bất kỳ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần khuyến cáo cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện nghiêm biện pháp 5K, hạn chế tụ tập khi không thật sự cần thiết”, bác sĩ Trần Thanh Thủy khuyến cáo.

Sở Y tế cho biết sẽ tham mưu UBND thành phố kế hoạch xét nghiệm những trường hợp, khu vực nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, sàng lọc F0 như: chợ; cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống tại chỗ; khu nhà trọ, đặc biệt nhà trọ cho người ngoại tỉnh; những người đến, về từ địa phương khác trong 14 ngày qua. “Trong số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng hiện nay, có khoảng 78% trường hợp đã tiêm vắc-xin. Chúng ta không chủ quan đã tiêm vắc-xin sẽ không mắc Covid-19.

Việc tổ chức tiêm vắc-xin nhằm hạn chế sự lây lan cũng như giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong. Vì vậy, ngoài vắc-xin, quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt 5K. Hiện nay, thành phố tạm dừng các chốt kiểm dịch cửa ngõ, vì vậy các quận, huyện phải tăng cường hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng, nhất là việc giám sát các trường hợp về từ địa phương khác, các trường hợp cách ly y tế, điều trị Covid-19 tại nhà; kết hợp công tác xét nghiệm sàng lọc định kỳ các đối tượng nguy cơ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.