WHO khuyến cáo các yếu tố ứng phó với biến chủng Omicron ở Việt Nam

.

"Trong khi tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, thực hiện các biện pháp xã hội và y tế công cộng đã được hiệu chuẩn và có mục tiêu, chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng có thêm nhiều trường hợp mắc, cần đảm bảo hệ thống y tế được chuẩn bị kỹ càng để xử lý các ca bệnh và giảm thiểu sự gián đoạn các hoạt động y tế, kinh tế-xã hội...", Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ.

Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng này đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, được các chuyên gia nhận định "có nhiều đột biến hơn tất cả các biến thể trước đó". Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, đưa ra khuyến cáo để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bình Định ưu tiên tiêm cho trẻ 17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của địa phương. Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN
Bình Định ưu tiên tiêm cho trẻ 17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của địa phương. Ảnh minh họa: Nguyên Linh-TTXVN

Theo Tiến sỹ Kidong Park, sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới đã chứng minh rằng, ngay cả khi chúng ta nỗ lực hết sức, trên toàn cầu, virus cũng sẽ không biến mất trong thời gian gần.

"Trong khi tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, thực hiện các biện pháp xã hội và y tế công cộng đã được hiệu chuẩn và có mục tiêu, chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng có thêm nhiều trường hợp mắc, cần đảm bảo hệ thống y tế được chuẩn bị kỹ càng để xử lý các ca bệnh và giảm thiểu sự gián đoạn các hoạt động y tế, kinh tế-xã hội...", Tiến sỹ Kidong Park nêu rõ.

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam xem xét một số hành động. Theo đó, Việt Nam nên tăng cường giám sát bao gồm giải trình tự gen của các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành và gửi trình tự gen hoàn chỉnh cũng như các dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu công khai đã có sẵn, ví dụ như Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).

Về biện pháp 5K và vaccine, Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm; kết hợp với biện pháp 5K - phương pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch này. "Điều quan trọng là, tất cả các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm đủ hai mũi", Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực y tế và y tế công cộng trong việc phối hợp nhịp nhàng hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho công chúng cũng như cộng đồng quốc tế về tình hình công tác phòng, chống dịch.

"WHO sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam lập kế hoạch và chuyển đổi, hướng tới việc Covid-19 trở thành bệnh lưu hành và học cách "chung sống an toàn với virus" về lâu dài, ngay cả khi chúng ta sẽ có các đợt bùng phát khác trong tương lai. Điều này bao gồm việc tập trung vào bảo vệ những người dễ bị tổn thương và tránh vượt qua "ranh giới đỏ", là lúc các dịch vụ y tế bị quá tải", Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, WHO đã chỉ định biến thể B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại (VoC), được đặt tên là Omicron, theo khuyến nghị từ Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về sự tiến hóa của virus. Quyết định này dựa trên bằng chứng mới từ Nam Phi, biến thể đã gây ra sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học Covid-19.

Tính đến ngày 5-12-2021, có 45 quốc gia tại tất cả 6 khu vực của WHO, báo cáo sự xuất hiện của biến thể này. "Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều quốc gia phát hiện biến thể này khi tăng cường giám sát và phân tích", Tiến sỹ Kidong Park cho biết; đồng thời nhấn mạnh một số thông tin đã biết của biến thể và những điều chưa biết đang được điều tra.

Theo đó, về khả năng lây truyền vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền lớn hơn Delta (biến thể chiếm ưu thế) hay không và sẽ mất thêm thời gian để biết về điều này.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh, vẫn chưa rõ liệu mắc bệnh với Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng, biến thể này có thể gây ra bệnh nhẹ hơn, tuy nhiên, hiện tại còn quá sớm để nhận định bất cứ điều gì.

Về nguy cơ tái nhiễm, Tiến sỹ Kidong Park cho biết, bằng chứng sơ bộ cho thấy, có thể tăng nguy cơ tái nhiễm đối với Omicron so với các biến thể đáng quan ngại khác; tuy nhiên, thông tin vẫn còn hạn chế. Thông tin thêm về vấn đề này sẽ có trong những ngày hoặc tuần tới.

Về vaccine phòng Covid-19, WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với vaccine phòng Covid-19. "Hiện tại, chúng tôi không có bằng chứng nào về sự thay đổi trong vaccine và đang nỗ lực hướng tới điều đó", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ.

Về xét nghiệm, các xét nghiệm Realtime RT-PCR được sử dụng rộng rãi, tiếp tục phát hiện các trường hợp nhiễm virus, bao gồm cả Omicron. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem có bất kỳ tác động nào đến các hình thức xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.

Về điều trị, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, corticosteroid và thuốc chẹn thụ thể IL6 sẽ vẫn có hiệu quả để quản lý bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Các phương pháp điều trị khác sẽ được đánh giá để xem có hiệu quả hay không với những thay đổi của virus trong biến thể Omicron.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.