Để bảo đảm an toàn trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt số ca mắc liên tục tăng cao, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tiếp tục siết chặt hoạt động kiểm soát, đặc biệt công tác giám sát thông qua xét nghiệm được triển khai thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguy cơ.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng hướng dẫn người dân khai báo y tế. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hiện nay, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc 5K khi đến khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế đều tổ chức phân luồng ngay khi tiếp nhận bệnh nhân. Việc này nhằm cách ly kịp thời những trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị áp dụng kịch bản xử lý các tình huống phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, trong đó tập trung bảo đảm an toàn nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Tại cổng tiếp đón bệnh nhân, đơn vị đưa vào sử dụng khu vực khám sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19. Những trường hợp có triệu chứng được phân luồng và hướng dẫn vào khu vực riêng để sàng lọc. Bệnh viện thiết lập các tổ tiếp nhận, hướng dẫn bệnh nhân, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt ngay tại cổng.
“Để bảo đảm an toàn, tất cả các nhân viên y tế ngoài khẩu trang đều trang bị thêm kính chống giọt bắn, được xét nghiệm theo định kỳ. Riêng bộ phận tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân còn trang bị thêm đồ bảo hộ trong ca trực để hạn chế tối đa nguy cơ, đặc biệt trong bối cảnh ca mắc Covid-19 không triệu chứng rất nhiều”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.
Đối với bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh viện tổ chức xét nghiệm sàng lọc, yêu cầu tuân thủ 5K. Bên cạnh đó, bệnh viện yêu cầu các y, bác sĩ tăng cường khai thác triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong khám bệnh hằng ngày và thực hiện ngay chỉ định xét nghiệm với ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ.
“Các phòng bệnh điều trị đều bảo đảm thông khí và vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định. Các dung dịch vệ sinh tay được bố trí đầy đủ tại các hành lang, cửa vào phòng bệnh. Bệnh viện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp”, bác sĩ Trung cho biết thêm.
Tương tự, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu mỗi ngày tiếp nhận khám hơn 100 bệnh nhân; việc tổ chức phân luồng được bố trí ở cổng ra, vào. Theo đó, bệnh nhân có các triệu chứng nghi mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở, tức ngực được bố trí lối đi riêng. Trước khi thực hiện khám, điều trị, người bệnh được xét nghiệm tầm soát, sàng lọc Covid-19. Trong trường hợp bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng y tế tổ chức cách ly tại khu vực chờ, hạn chế tối đa tình trạng lây lan.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, hiện nay số ca mắc Covid-19 không có triệu chứng tăng cao. Việc kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở y tế thông qua các triệu chứng nghi ngờ là chưa đủ.
“Những trường hợp bệnh nhân cần thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật mà nhân viên y tế phải tiếp xúc gần hay tất cả những bệnh nhân nội trú đều được hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2. Tần suất xét nghiệm cũng tùy theo mức độ bệnh lý, thời gian điều trị nội trú tại cơ sở y tế. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, các nhân viên y tế được xét nghiệm định kỳ. Những nhân viên trực tiếp tham gia công tác phòng, chống Covid-19 được xét nghiệm với tần suất nhiều hơn”, bác sĩ Sỹ cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố thống nhất chủ trương về việc tăng cường chủ động giám sát, phát hiện Covid-19 tại các cơ sở y tế thông qua hoạt động xét nghiệm.
“Các bệnh viện tổ chức test nhanh hoặc RT-PCR để tầm soát, xét nghiệm người bệnh, người nhà, nhân viên y tế, người vào bệnh viện, người khám bệnh ngoại trú có dấu hiệu nghi mắc hoặc có yếu tế dịch tễ liên quan Covid-19. Ngoài ra, người bệnh khi được chỉ định nhập viện điều trị nội trú phải xét nghiệm một lần trước khi vào khu điều trị nội trú. Nếu điều trị trên 7 ngày, xét nghiệm 7 ngày/lần cho đến khi xuất viện”, bác sĩ Hồng cho biết.
Thời gian qua, nhiều ca mắc Covid-19 được phát hiện tại các cơ sở y tế là các bệnh nhân đang điều trị nội trú hoặc nhân viên y tế xét nghiệm định kỳ. Đối với các trường hợp này, các bệnh viện tổ chức khoanh vùng, xét nghiệm như đối với trường hợp xử lý ổ dịch.
“Đặc biệt, cần chú ý đến các khoa, phòng điều trị bệnh nhân tình trạng nặng, nguy kịch, có nguy cơ tử vong, xét nghiệm 3 ngày/lần đối với tất cả những người liên quan đến bệnh nhân như nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, người nhà của bệnh nhân và bệnh nhân nội trú, sinh viên thực tập, người lao động”, bác sĩ Hồng cho biết.
PHAN CHUNG