Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp lễ hội đầu xuân

.

Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) phối hợp các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2022.

An toàn thực phẩm sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.  Trong ảnh:  Lãnh đạo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra việc giết mổ gia súc, gia cầm tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn (quận Liên Chiểu). Ảnh: PHAN CHUNG
An toàn thực phẩm sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra việc giết mổ gia súc, gia cầm tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn (quận Liên Chiểu). Ảnh: PHAN CHUNG

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề ATTP là đẩy mạnh công tác truyền thông. Công tác này hướng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, được thực hiện bằng nhiều hình thức: tập huấn, phát thanh, xây dựng video đồ họa, phát bản tin, băng-rôn, áp phích, nhắn tin SMS… Dịp Tết Nguyên đán, các ngành, các cấp thành phố phát 997 lượt phát thanh tuyên truyền; treo 101 băng-rôn, khẩu hiệu, áp phích; gửi tin nhắn SMS đến 10.000 người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, công tác truyền thông tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành.

“Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh việc phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội”, ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng loạt từ 3 cấp, trong đó tuyến thành phố tổ chức 3 đoàn thành tra, tuyến quận, huyện tổ chức 7 đoàn và tuyến xã, phường tổ chức 56 đoàn. Các đoàn tuyến thành phố tập trung thanh tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận, huyện, phường, xã tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý.

Tính đến thời điểm sau Tết, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra 978 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó 910 cơ sở đạt chất lượng vệ sinh ATTP theo quy định (tỷ lệ 93,05%); phát hiện 68 cơ sở vi phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành nhắc nhở buộc khắc phục hậu quả theo quy định. Các nội dung vi phạm chủ yếu như sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm hết hạn sử dụng; không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm sống và thức ăn chín; sử dụng nước đá dùng liền không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong kinh doanh thực phẩm.

Để bảo đảm ATTP mùa lễ hội đầu xuân, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có công văn gửi các địa phương, trong đó có Đà Nẵng, yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử nghiêm vi phạm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn, bảo đảm ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ nhân dân, du khách. Việc xử lý vi phạm được công bố công khai theo quy định.

Theo đánh giá của BQL ATTP, hàng hóa về thành phố bằng nhiều đường nên gây khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát. Nạn buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không bảo đảm ATTP ngày càng tinh vi, bất chấp thủ đoạn, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 tác động mạnh đến ngành dịch vụ của thành phố, dẫn đến đối tượng lao động bị mất việc làm từ các ngành dịch vụ tăng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ còn vi phạm các điều kiện bảo đảm ATTP.

“Thời điểm mùa lễ hội sau Tết Nguyên đán, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động chuyên môn về ATTP, trong đó tập trung một số nội dung: yêu cầu người sản xuất, kinh doanh cam kết tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, đơn vị khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng và mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP”, ông Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.