Chăm sóc, điều trị sức khỏe hậu Covid-19

.

Nhiều trường hợp sau khi mắc và điều trị khỏi Covid-19 gặp các vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Các bác sĩ khuyến cáo nên chủ động lắng nghe cơ thể mình, kiên trì với các liệu trình chăm sóc, điều trị triệu chứng liên quan cũng như ổn định tâm lý để vượt qua.

Một bệnh nhân đến khám, nhờ tư vấn các triệu chứng gặp phải sau khi điều trị khỏi Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Một bệnh nhân đến khám, nhờ tư vấn các triệu chứng gặp phải sau khi điều trị khỏi Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Nhiều triệu chứng hậu Covid-19

Sau hơn 3 tuần thành lập và đi vào hoạt động, Phòng khám, điều trị và tư vấn hậu Covid-19 thuộc Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám, tư vấn tâm lý và điều trị các di chứng xuất hiện sau khi khỏi Covid-19. Bệnh nhân T.V.D (43 tuổi, trú quận Thanh Khê) tìm đến phòng khám vì hàng loạt triệu chứng.

“Cuối năm 2021, tôi mắc Covid-19, một tuần sau thì khỏi. Quá trình mắc và điều trị Covid-19 tôi thấy bình thường, khỏe mạnh. Nhưng sau khi về nhà được 1 tuần thì cơ thể bắt đầu thấy mệt, mỏi cơ, mất ngủ và ăn uống không ngon miệng”, anh D. cho biết. Tương tự, sau khi điều trị khỏi Covid-19, bệnh nhân Q.D.S (39 tuổi, trú quận Sơn Trà) bị sút cân đáng lo ngại mà nguyên nhân do rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon miệng, đau dạ dày và bị tiêu chảy kéo dài. Quá lo lắng vì tình trạng sức khỏe, chị S. rơi vào tình trạng mất ngủ, đầu óc căng thẳng.

Bác sĩ Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội Hô hấp, miễn dịch - dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Phòng khám, điều trị và tư vấn hậu Covid-19 cho biết, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 20-30 bệnh nhân đến khám, điều trị và tư vấn các hội chứng sau khi khỏi Covid-19. Theo bác sĩ Quang, nhiều người mắc Covid-19 và điều trị khỏi nhanh chóng, thậm chí không có triệu chứng gì trong suốt quá trình này nhưng lại gặp phải tình trạng hậu Covid-19. Một loạt vấn đề về sức khỏe mới, tái phát hoặc đang diễn ra mà người bệnh có thể gặp phải như khó thở hoặc cảm giác hụt hơi, mệt mỏi hay chóng mặt, ho kéo dài, đau ngực, đau cơ, mất vị giác, khứu giác, đau đầu...

“Vấn đề thường gặp nhất liên quan đến phổi. Những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng có thể gây xơ phổi làm giảm chức năng hô hấp. Trường hợp nhẹ hơn gây khó thở, tức ngực. Việc hô hấp bị ảnh hưởng cũng khiến hệ thần kinh bị tác động, từ đó kéo theo một loạt hội chứng liên quan đến tinh thần”, bác sĩ Quang cho biết.

Các bệnh nhân được khám, tư vấn, điều trị theo phác đồ cụ thể của từng người. Những trường hợp nặng, các bác sĩ chỉ định nhập viện, sau đó tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa để can thiệp, điều trị theo từng triệu chứng khác nhau.

“Thực tế hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Vì vậy, việc khám, tư vấn cho bệnh nhân là điều quan trọng và cần thiết. Nhiều bệnh nhân không mắc những hội chứng nặng nhưng lại trở nên căng thẳng, lo lắng, buộc các bác sĩ vận dụng các liệu pháp tâm lý để giải thích, trấn an. Bên cạnh đó, để điều trị thành công các triệu chứng hậu Covid-19, ngoài sự hỗ trợ, can thiệp của bác sĩ, rất cần sự kiên trì của bệnh nhân, bởi có những triệu chứng kéo dài cả 18 tháng mới có thể kết thúc”, bác sĩ Quang cho biết thêm.

Ổn định tâm lý

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, sau khi điều trị khỏi Covid-19, người bệnh vẫn rơi vào trạng thái rối loạn hệ miễn dịch với 2 cơ quan dễ tổn thương nhất là phổi, tim và vấn đề tâm lý. Khi đến khám, với những trường hợp bình thường, bệnh viện tập trung tư vấn giúp ổn định tâm lý và hướng dẫn các bài tập, vận động cơ bản. Những trường hợp phát hiện bất thường sẽ được điều trị nội trú trên cơ sở tư vấn, hỗ trợ của liên chuyên khoa.

“Theo đánh giá ban đầu, các triệu chứng mà bệnh nhân sau Covid-19 gặp phải khi đến khám tại đây đều là những triệu chứng bình thường, dễ gặp. Vì vậy, các bệnh nhân được hướng dẫn, tư vấn để tự chăm sóc bản thân. Điều quan trọng nhất là ổn định tâm lý, không hoảng loạn, lo lắng và chủ động, tự giác với các bài tập, hướng dẫn”, bác sĩ Trung cho biết.

Trước hết, người đã điều trị khỏi Covid-19 cần thực hiện một số biện pháp như duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, các hoạt động phục hồi sức khỏe như vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm nếu có thể, tập dưỡng sinh…). Cần chú ý hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.

Đối với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh Covid-19 rất tốt. Tích cực tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách/báo. Cần chú ý, chủ động giảm stress và tư duy tích cực. Đây là một quá trình khó khăn, quyết tâm, lâu dài. Để hồi phục sức khỏe, cần chú ý chế độ dinh dưỡng trên nguyên tắc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, tốt nhất là hữu cơ, bổ, cân bằng axit, kiềm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.