Y tế - Sức khỏe
Củng cố, mở rộng mạng lưới điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Để tiếp nhận, điều trị số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19, ngành y tế đang triển khai nhiều kế hoạch phân tầng, tiếp nhận người bệnh theo tình hình thực tế. Ngoài điều trị, cách ly F0 tại nhà, các cơ sở y tế gấp rút chuẩn bị các khu vực riêng biệt để bệnh nhân vừa điều trị Covid-19 vừa có thể chữa các bệnh lý nền.
Số lượng bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền nguy cơ mắc Covid-19 đang tăng, gây áp lực điều trị cho cơ sở y tế. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến hướng dẫn bệnh nhân lớn tuổi tập hít thở. Ảnh: PHAN CHUNG |
Can thiệp kịp thời khi bệnh nhân có dấu hiệu
Theo Sở Y tế, hiện có 672 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại cơ sở y tế (chiếm 6,5% số ca mắc Covid-19 trên toàn thành phố), tập trung tại 4 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (123 ca), Bệnh viện Hòa Vang (173 ca), Bệnh viện dã chiến (352 ca) và Bệnh viện C Đà Nẵng (24 ca). Ngoài ra, hiện có hơn 9.700 ca mắc Covid-19 đang được điều trị, cách ly, theo dõi tại nhà (chiếm 93,5%).
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1-12-2021 về phân loại bệnh nhân điều trị Covid-19, những trường hợp trên 65 tuổi hoặc từ 3 tháng tuổi trở xuống, người từ 50-64 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, phụ nữ có thai, phụ nữ vừa sinh con dưới 42 ngày tuổi, người có độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) 94-96% sẽ được chuyển lên cơ sở y tế điều trị. Ngoài ra, trạm y tế phường, xã cũng chuyển F0 đến các cơ sở y tế điều trị Covid-19 đối với những trường hợp cần cấp cứu, được phân loại nguy cơ rất cao, mắc Covid-19 ở mức độ vừa hoặc nặng.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, trong 123 bệnh nhân điều trị Covid-19 tại đây, có 62 trường hợp nặng, 57 trường hợp có bệnh nền nguy cơ, 6 trường hợp nguy kịch và 75 trường hợp trên 65 tuổi. “Tỷ lệ ca nặng so với tổng số ca mắc có giảm so với trước nhưng số lượng ca mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị và nguy kịch, thậm chí tử vong vẫn cao. Vì vậy, cần hạn chế thấp nhất việc chuyển tuyến. Điều này cần sự phối hợp từ y tế cơ sở trong việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà, đó là phát hiện, can thiệp kịp thời khi bệnh nhân có dấu hiệu”, bác sĩ Phúc cho biết.
Tương tự, tại Bệnh viện dã chiến, đơn vị này đang tiếp nhận, điều trị 352 bệnh nhân, trong đó đáng chú ý có 78 bệnh nhân nặng, 113 bệnh nhân trên 65 tuổi và 195 bệnh nhân có bệnh nền nguy cơ. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Thành, khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng - quản lý chuyên môn tại Bệnh viện dã chiến, việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay vất vả, áp lực hơn trước rất nhiều. “Phần lớn bệnh nhân đều lớn tuổi, có bệnh nền, nhiều trường hợp không tự chủ trong sinh hoạt, chăm sóc bản thân nên các nhân viên y tế tại đây thực hiện chăm sóc toàn diện. Ngoài công tác chuyên môn, các thủ tục hành chính, lo khẩu phần ăn, hỗ trợ vận chuyển thực phẩm người nhà tiếp tế nên công việc rất nhiều”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Bố trí các nguồn lực tham gia trạm y tế lưu động
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trước áp lực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là những người có bệnh nền, ngành y tế triển khai kế hoạch mở rộng cơ sở điều trị nhóm đối tượng này. Hiện nay, qua khảo sát, đánh giá, năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế là hơn 4.800 giường, trong đó có hơn 270 giường hồi sức (ICU). Sở Y tế đã có văn bản đề nghị bệnh viện tư nhân phối hợp, chỉ đạo tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố chuẩn bị hệ thống trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 khi có chỉ đạo.
Đối với công tác điều trị F0 tại nhà, hiện các địa phương kích hoạt và sử dụng 75 trạm y tế lưu động với số nhân lực 399 người, trong đó có 154 nhân lực ngoài ngành y tế, 254 nhân lực là bác sĩ, nhân viên y tế. Mỗi ngày có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân điều trị tại nhà khỏi bệnh, hoàn thành điều trị. Từ cuối tháng 1, mạng lưới thầy thuốc đồng hành trên địa bàn thành phố được triển khai để hỗ trợ điều trị, theo dõi F0 tại nhà với 149 bác sĩ, tình nguyện viên, nhân viên y tế.
Dựa vào nền tảng công nghệ thông tin và điện thoại, phối hợp chăm sóc, tư vấn, mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ gần 1.000 trường hợp điều trị F0 tại nhà, qua đó phát hiện, chuyển tuyến kịp thời theo phân tuyến điều trị đối với những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, nguy cơ cao, góp phần giảm áp lực quá tải hệ thống y tế địa phương.
“Hiện nay, phần lớn các ca mắc Covid-19 đều điều trị, theo dõi tại nhà nên vai trò của địa phương và y tế cơ sở rất lớn. Để giảm tải tuyến trên, đặc biệt phát hiện sớm, hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân trở nặng, UBND các quận, huyện nên tăng cường bố trí các nguồn lực tham gia trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ lực lượng y tế địa phương trong công tác quản lý, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.
PHAN CHUNG