Kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2022)

Y tế là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Thủy (ảnh), Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế khẳng định, với nguyên tắc bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân trên hết, trước hết và với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, không quản ngại khó khăn, gian khổ; công chức, viên chức, người lao động ngành y tế cùng các cấp, ngành, địa phương kiểm soát tốt các đợt bùng phát dịch bệnh, nhanh chóng đưa thành phố về trạng thái bình thường mới và từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết:

- Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế, ngành y tế chủ động tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố phân tích, đánh giá, nhận định đúng tình hình, đề ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp và chuẩn bị nguồn lực bảo đảm triển khai các biện pháp hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, y tế là trụ cột, trung tâm trong phòng, chống dịch. Hơn 2 năm qua, y tế là lực lượng nòng cốt và thực hiện xuyên suốt các biện pháp, phòng, chống Covid-19, từ xét nghiệm, truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly triệt để, đến tổ chức điều trị hiệu quả và thực hiện các chiến dịch tiêm chủng an toàn, khoa học.

Bên cạnh đó, ngành y tế còn bảo đảm khám, chữa bệnh an toàn. Tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện đồng thời tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng lây nhiễm Covid-19, vừa tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh thông thường cho người dân trong bối cảnh đại dịch. Các chương trình y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu được duy trì; không để “dịch chồng dịch”, không để vì dịch bệnh mà người dân không được chăm sóc sức khỏe.

* Trong chiến lược phòng, chống Covid-19 hiện nay, vai trò của y tế cơ sở như thế nào, thưa bác sĩ?

- Chính phủ xác định phương châm phòng, chống Covid-19 là “lấy phường, xã là pháo đài, người dân là chiến sĩ, trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch”. Do đó, y tế cơ sở, đặc biệt tuyến phường, xã đóng vai trò, vị trí quan trọng, vì đây là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và cũng là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện mọi biện pháp về phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Hiện nay, khi phần lớn người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, được điều trị tại nhà, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở rất vất vả. Họ là người đầu tiên xác định tình trạng mắc bệnh, đánh giá, phân loại và đưa người bệnh vào chương trình quản lý, theo dõi. Đồng thời, thường xuyên kết nối với người mắc Covid-19 để theo dõi sức khỏe, hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm và chuyển tuyến, chuyển viện kịp thời. Cán bộ y tế cơ sở phối hợp y tế tuyến trên để chỉ định, cấp phát và theo dõi điều trị thuốc kháng virus cho bệnh nhân theo quy định. Bên cạnh đó, các công tác y tế khác tại cơ sở vẫn phải bảo đảm như tiêm chủng; phòng, chống sốt xuất huyết, khám chữa bệnh ban đầu...

* Với góc độ chuyên môn y tế, bác sĩ cho biết việc thích ứng, sống chung với Covid-19 hiện nay như thế nào?

- Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” là phù hợp, sát tình hình thực tiễn; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân... Qua đó từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Tuy nhiên, việc mở rộng giao lưu, tiếp xúc tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ hội lây lan, bùng phát nếu không có biện pháp phòng, chống phù hợp. Thực tế trên địa bàn thành phố, thời gian qua xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh và tiềm ẩn nhiều ca cộng đồng. Đây là nguồn gây nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, khó tránh khỏi.

Do đó, thích ứng, sống chung với Covid-19 phải đi kèm các điều kiện, trong đó tiếp tục thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch: “5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ thông tin + ý thức người dân”. Trước hết, mỗi người dân cần ý thức trách nhiệm và tự giác thực hiện tốt nguyên tắc 5K, tiêm vắc-xin phòng Covid-19, khai báo với cơ quan y tế khi phát hiện mình là F0...

Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch phù hợp đặc thù hoạt động của mình và tình hình dịch bệnh. Ngành y tế cần tổ chức các phương án thu dung điều trị phù hợp, hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu làm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tử vong.

Y tế là lực lượng nòng cốt và thực hiện xuyên suốt các biện pháp phòng, chống dịch, từ xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly triệt để đến tổ chức điều trị và thực hiện tiêm chủng hiệu quả. TRONG ẢNH: Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phân tích mẫu bệnh phẩm để phát hiện F0.Ảnh: LÊ HÙNG
Y tế là lực lượng nòng cốt và thực hiện xuyên suốt các biện pháp phòng, chống dịch, từ xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly triệt để đến tổ chức điều trị và thực hiện tiêm chủng hiệu quả. TRONG ẢNH: Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phân tích mẫu bệnh phẩm để phát hiện F0. Ảnh: LÊ HÙNG

* Bác sĩ có thể cho biết số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào? Biện pháp can thiệp và lời khuyên của bác sĩ dành cho người dân để vừa có thể trở lại cuộc sống bình thường mới, vừa cảnh giác với dịch bệnh?

- Qua theo dõi thống kê, tỷ lệ số ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại thành phố duy trì ở mức dưới 0,2%, tỷ lệ này không tăng so với thời điểm quý 4 năm 2021 và ở mức thấp so với tỷ lệ tử vong trung bình trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng ca mắc tăng cao dẫn đến số lượng người có bệnh lý nền, người cao tuổi mắc Covid-19 cũng tăng lên, kéo theo số trường hợp tử vong có xu hướng tăng từ đầu tháng 2-2022.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe trong bối cảnh bình thường mới, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19. Khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19 (ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác…) không tự ý đi mua thuốc chữa bệnh; cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn, phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh; đến cơ sở y tế khai báo tình trạng của mình để được phân luồng, khám sàng lọc, thực hiện xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, khi phát hiện bản thân hoặc người thân, người xung quanh là người mắc Covid-19 (F0), người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 (F1), chủ động khai báo hoặc vận động khai báo với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để được tư vấn, hướng dẫn, áp dụng các biện pháp can thiệp y tế, chăm sóc sức khỏe kịp thời; không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

* Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

LÊ HÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.