Y tế - Sức khỏe

Phối hợp, hỗ trợ trong điều trị Covid-19

08:00, 22/02/2022 (GMT+7)

Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày được ghi nhận trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao. Phần lớn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, được theo dõi, điều trị tại nhà nhưng ngành y tế vẫn khuyến cáo tình trạng trở nặng do không khai báo, thiếu sự phối hợp giữa người dân, các đơn vị liên quan.

Công tác xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để các đơn vị liên quan đưa ra giải pháp tối ưu trong cách ly, điều trị các ca mắc Covid-19.  TRONG ẢNH: Lực lượng y tế quận Sơn Trà xét nghiệm cho công nhân tại Khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG
Công tác xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để các đơn vị liên quan đưa ra giải pháp tối ưu trong cách ly, điều trị các ca mắc Covid-19. TRONG ẢNH: Lực lượng y tế quận Sơn Trà xét nghiệm cho công nhân tại Khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Theo Sở Y tế, hiện nay, hơn 93% bệnh nhân mắc Covid-19 được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà. Thực tế này tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế cơ sở trong việc tiếp nhận, theo dõi và can thiệp chuyển tuyến kịp thời những bệnh nhân trở nặng.

Phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đang theo dõi, cách ly, điều trị hơn 600 trường hợp mắc Covid-19. Theo y sĩ Lê Thị Kim Yến, Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Hải Bắc, địa phương vừa chuyển tuyến điều trị một bệnh nhân mắc Covid-19 trở nặng. Bệnh nhân là người có bệnh nền, ghép thận cách đây 3 năm.

“Sau khi ghi nhận thông tin ban đầu, biết bệnh nhân có bệnh nền nên chúng tôi theo dõi sát các chỉ số sức khỏe. Diễn biến bệnh thay đổi nhanh nên trong ngày, bệnh nhân được chuyển lên theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế”, chị Yến cho biết. Hiện nay, phường An Hải Bắc được bố trí 10 nhân viên y tế và 49 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để theo dõi, điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà. Các chỉ số sức khỏe được cập nhật 3 lần/ngày trên nhóm nội bộ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Những bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin, người cao tuổi, người có bệnh nền được giám sát kỹ hằng ngày.

Trong khi đó, đối với công tác điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế, hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận, điều trị hơn 1.100 bệnh nhân. Đáng chú ý, trong số đó có hơn 230 bệnh nhân nặng, 31 bệnh nhân nguy kịch, hơn 400 bệnh nhân trên 65 tuổi và 550 bệnh nhân có bệnh nền nguy cơ cao.

Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị 122 bệnh nhân, trong đó có 69 ca nặng. Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc bệnh viện cho biết, nhân lực, trang thiết bị của bệnh viện chỉ đáp ứng đủ 100 giường ICU (hồi sức nặng).

“So với trước đây, số bệnh nhân nặng, nguy kịch thậm chí tử vong không giảm. Thực tế này tạo nên áp lực lớn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan với mục tiêu giảm tối đa tình trạng trở nặng của bệnh nhân là điều hết sức cần thiết”, bác sĩ Phúc cho biết.

Cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị, địa phương trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 để hạn chế tối đa tình trạng trở nặng. Trong ảnh: Nhân viên y tế quận Sơn Trà theo dõi bệnh nhân điều trị F0 tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG
Cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị, địa phương trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 để hạn chế tối đa tình trạng trở nặng. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế quận Sơn Trà theo dõi bệnh nhân điều trị F0 tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG

Thời gian qua, để hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả công tác điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố thành lập mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng bệnh nhân F0.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ thành phố cho biết, sau khi phát động chương trình, đến nay có 149 tình nguyện viên là bác sĩ, tình nguyện viên, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

“Thông qua tổng đài 1022, các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân thể hiện rõ. Dựa vào đó, các tình nguyện viên nhận định được mức độ nguy cơ của bệnh nhân Covid-19 đang theo dõi, điều trị tại nhà. Các chỉ số sức khỏe, đặc biệt là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) được theo dõi, giám sát kỹ. Điểm khác biệt ở hoạt động này là các tình nguyện viên chủ động gọi điện tư vấn cho các bệnh nhân khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe”, bác sĩ Trung cho biết.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy, hiện nay có tình trạng người bệnh mắc Covid-19 ở dạng nhẹ không khai báo với y tế cơ sở mà tự ý test nhanh, điều trị tại nhà. “Điều này hết sức nguy hiểm vì người bệnh không nắm bắt, hiểu rõ các chỉ số. Việc tự ý điều trị sẽ bỏ lỡ các cơ hội được can thiệp, điều trị kịp thời về chuyên môn, khi bệnh nhân trở nặng là áp lực cho các cơ sở y tế trong công tác điều trị, thậm chí để lại nhiều di chứng, hậu quả ngay cả khi điều trị khỏi”, bác sĩ Thủy cho biết.

Liên quan đến công tác phối hợp theo dõi, điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường bố trí các nguồn lực tham gia trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ lực lượng y tế địa phương trong công tác quản lý, cách ly, chăm sóc, điều trị người bệnh; đồng thời xem xét thiết lập các cơ sở cách ly, chăm sóc tập trung người nhiễm Covid-19 trên địa bàn để phục vụ cách ly các trường hợp F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà nhưng thuộc diện không triệu chứng và nhẹ, chưa cần thiết điều trị tại cơ sở y tế.

PHAN CHUNG

.