Khai báo y tế có còn phù hợp?

.

Khai báo y tế là một nội dung trong 5K được Bộ Y tế ban hành, áp dụng từ năm 2020 đến nay với nỗ lực kiểm soát Covid-19. Việc khai báo y tế nhằm mục đích truy vết nguồn gốc, quá trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân mắc Covid-19, từ đó tạo cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để cơ quan chức năng triển khai biện pháp chuyên môn kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan nhanh. Đến thời điểm hiện tại, khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” trong tình hình mới được áp dụng, nhiều người đặt vấn đề cho rằng, có nên bỏ khai báo y tế trong danh mục 5K?

Ông Trần Văn Khiêm (56 tuổi, trú huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đến Bệnh viện Đà Nẵng khám, điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ từ 3 tháng nay. Khi làm thủ tục khám, nhập viện, ông được các nhân viên y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế. Do không sử dụng điện thoại thông minh nên ông được hướng dẫn khai báo thủ công bằng cách đọc thông tin cá nhân để nhân viên y tế nhập vào hệ thống dữ liệu về phòng, chống dịch (Danang Smart City hoặc PC-Covid).

Theo nhân viên y tế nơi đây, có đến 80% bệnh nhân và người nhà cần được hướng dẫn, hỗ trợ khai báo y tế khi tới bệnh viện, số còn lại chủ động tự khai báo trên điện thoại và tự quét mã QR. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 1.800 lượt người đến khám, điều trị và chăm sóc người bệnh. Để phục vụ việc khai báo y tế, Phòng Công tác xã hội bố trí khoảng 8 nhân viên mỗi ngày thực hiện việc này.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, thời gian qua nhân viên y tế đều quá tải vì đảm nhận khối lượng công việc lớn. Các hoạt động chuyên môn lồng ghép với công tác phòng, chống dịch được triển khai xuyên suốt.

“Việc khai báo y tế là bắt buộc từ trước đến nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng bộ phận tiếp đón, hướng dẫn người bệnh phải làm việc liên tục, tăng cường nhân lực và bố trí thêm bàn hướng dẫn, đo thân nhiệt và khai báo y tế tại các khu vực cổng ra vào bệnh viện. Tuy nhiên đối với tình hình hiện nay, cần xem xét kỹ lưỡng và quyết định liệu việc khai báo y tế có còn cần thiết nữa hay không”, một lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, đơn vị bố trí nhân viên ngay tại cổng để tiếp đón, phân luồng. Người dân khi đến khám, điều trị hay thăm nuôi đều được hướng dẫn khai báo y tế. Bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận chia sẻ: “Việc khai báo y tế vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định 5K của Bộ Y tế, mặc dù hiện nay điều này không còn thực sự có ý nghĩa như trước. Bởi người dân có thể test nhanh để kiểm soát nguy cơ mắc Covid-19 của bản thân và việc truy vết các F0, F1 không còn thực hiện nữa”.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố khẳng định, 5K của Bộ Y tế được ban hành, áp dụng từ tháng 8-2020 có vai trò lớn trong công tác phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cần linh hoạt áp dụng, thậm chí bỏ một số biện pháp không còn phù hợp với thực tế.

“Mục đích của khai báo y tế là nắm rõ lịch trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân, từ đó có biện pháp kiểm soát nguồn lây trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã loại bỏ việc truy vết F0, F1, việc khai báo y tế cũng không còn ý nghĩa. Chưa kể, hiện nay người dân đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, việc kiểm soát dịch bệnh chuyển từ việc ghi nhận số ca mắc sang hướng tập trung điều trị những ca nặng, ca nguy kịch”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Vừa qua, Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

“Theo quy định phòng, chống dịch hiện hành, các bệnh truyền nhiễm nhóm B không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch. Khi đó, một số biện pháp trong 5K chắc chắn phải xem xét lại. Tất nhiên, để xem xét và quyết định Covid-19 có phải là bệnh truyền nhiễm nhóm B hay không cần phải căn cứ vào tình hình dịch tễ, khả năng miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc-xin, tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và nhiều yếu tố khác”, bác sĩ Thạnh phân tích.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích