Y tế - Sức khỏe
Không nên lạm dụng xét nghiệm test nhanh Covid-19
Hiện nay, người dân chủ động test nhanh để phát hiện, sàng lọc Covid-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, không nên lạm dụng phương pháp này dẫn đến lãng phí, không hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh.
Ngành y tế khuyến cáo người dân không nên lạm dụng việc test nhanh vì gây lãng phí và không hiệu quả trong phòng, chống Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hiệu quả của test nhanh
Sau khi Bộ Y tế ban hành văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh sử dụng phương pháp này để phát hiện, kiểm soát Covid-19.
Tại Đà Nẵng, việc sử dụng kit test nhanh hiện là phương pháp chủ yếu trong hoạt động phòng, chống Covid-19. Theo bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế, trung tâm triển khai biện pháp này tại đơn vị và trạm y tế các phường.
Đặc biệt, khi đẩy mạnh thực hiện công tác điều trị, theo dõi F0 tại nhà, việc test nhanh giúp các đơn vị, địa phương nhanh chóng xác định nguy cơ, kiểm soát tình hình. “Hiện nay, những bệnh nhân có dấu hiệu nghi mắc Covid-19 khi đến khám tại Trung tâm Y tế quận được xét nghiệm miễn phí. Ngoài ra, người dân có nhu cầu xét nghiệm phục vụ công việc, đơn vị vẫn đáp ứng trên cơ sở chi phí xét nghiệm không quá 78.000 đồng/lần test nhanh theo quy định”, bác sĩ Hoài cho biết.
Đối với việc phát hiện, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, hiện nay người dân chủ động thực hiện test nhanh theo hướng dẫn, sau đó quay clip gửi trạm y tế nơi cư trú để xác nhận nhiễm Covid-19. Quá trình theo dõi, điều trị sau 7 ngày, bệnh nhân test nhanh lần nữa để xác định khỏi Covid-19.
“Việc người dân chủ động xét nghiệm và phối hợp cung cấp thông tin, hình ảnh để nhân viên y tế cơ sở xác định quá trình điều trị, khỏi bệnh, giúp giảm tải lớn công việc mà các trạm y tế đảm nhận, đặc biệt trong bối cảnh mỗi ngày các phường, xã đều ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc Covid-19 như hiện nay”, bác sĩ Hoài nói.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác xét nghiệm để khẳng định Covid-19, hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm bằng RT-PCR của nhân viên CDC Đà Nẵng giảm nhiều áp lực. Nếu như trước đây, vào những lúc cao điểm, có ngày CDC Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm đến 140.000 mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp RT-PCR, thì nay trung bình mỗi ngày CDC chỉ thực hiện xét nghiệm 1.000-2.000 mẫu bệnh phẩm. Thực tế này vừa giúp tiết kiệm chi phí, ngân sách, giảm áp lực cho nhân viên y tế vừa phù hợp tình hình thực tế, khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở mức cao.
Lạm dụng test nhanh gây lãng phí, mất cân đối cung - cầu
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, hiện có thực tế người dân lạm dụng và sử dụng không đúng cách test nhanh để theo dõi sức khỏe bản thân. “Việc người dân lạm dụng test nhanh để xác định nguy cơ mắc Covid-19 là lãng phí. Nhiều trường hợp vừa tiếp xúc với F0 buổi sáng đến buổi chiều đã test thì không giải quyết được việc gì mà gây tốn kém. Hoặc khi đã xác nhận mắc Covid-19, tiếp tục theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế và xét nghiệm vào ngày thứ 7 sau khi mắc. Người bệnh không nên test nhanh mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc lạm dụng test nhanh tạo nên cơn sốt trên thị trường đối với mặt hàng này, đi kèm với đó là những sản phẩm không có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Người dân cần đặc biệt lưu ý”, bác sĩ Thạnh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, với F1 tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc-xin phòng Covid-19, thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, kể từ ngày phát hiện. F1 này chỉ cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K. Đối với F0, việc test nhanh thực hiện sau 7 ngày kể từ khi phát hiện mắc Covid-19. Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính, tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc-xin.
Liên quan đến chất lượng kit test nhanh hiện nay, Thanh tra Sở Y tế đang lập các đoàn kiểm tra hoạt động mua bán sản phẩm này tại các nhà thuốc, kết hợp với việc bán các sản phẩm thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19. “Hiện nay, kit test nhanh là sản phẩm mà người dân sử dụng nhiều để theo dõi sức khỏe. Nhu cầu tăng cao nên nguồn cung, cách thức phân phối dồi dào, phong phú.
Sở Y tế đang lên kế hoạch kiểm tra liên ngành kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Quản lý thị trường tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh kit test nhanh, kể cả kinh doanh online, trong đó tập trung hai nội dung chính là giá và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Khuyến cáo người dân không nên lạm dụng test nhanh, khi thực sự cần thiết nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đã được khẳng định để không lãng phí và mang lại hiệu quả trong phòng, chống dịch”, bác sĩ Tùng cho biết.
PHAN CHUNG